Nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động
Trong các tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã phải sa thải bớt lao động vì không có hợp đồng mới. Có những doanh nghiệp 100 công nhân, giờ chỉ còn lại 20 người...
Đơn hàng sụt giảm
Đại diện Liên minh hỗ trợ công nghiệp (VISA) cho biết, các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp thuộc liên minh không có đơn hàng nào mới từ EU.
Muốn có đơn hàng mới thì DN phải đổi mới công nghệ, cần có tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, DN không thể vay tiền ngân hàng bằng hợp đồng mua bán nguyên phụ liệu; Không thể thế chấp nhà xưởng để đổi mới công nghệ do pháp luật hạn chế cho vay bằng bất động sản; Hạn mức tín dụng và lãi suất cao. Trong khi đó, giá vật liệu tăng, chi phí logistics cao.
Để ứng phó với tình trạng này, có DN trong ngành đã phải giảm lao động từ 100 người xuống còn 20 người. “Đây là điều đáng tiếc vì ngành công nghiệp hỗ trợ cần thời gian dài mới đào tạo được công nhân. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành công nghiệp hỗ trợ”- vị đại diện cho hay.
Ông Phí Ngọc Trịnh- Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cho hay, khó khăn lớn nhất hiện tại của công ty vẫn là đơn hàng sụt giảm. Công ty bố trí nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và không tăng ca thêm giờ. Thông thường, trong 4 tháng cuối năm ngành dệt may sẽ rơi vào chu kỳ thiếu đơn hàng.
“Lạm phát diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, người tiêu dùng ưu tiên mua khí đốt và thực phẩm. Chúng tôi phải tìm kiếm các loại đơn hàng trong và ngoài nước, biết lỗ nhưng vẫn nhận để công nhân làm (chấp nhận bù giá). Tình hình khó khăn này có thể hết Tết Nguyên đán hoặc nửa cuối tháng 3 năm sau mới ổn định”- ông Trịnh nói.
Tuy nhiên, trước bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến nhiều DN trong nước gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và giảm đơn hàng, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động.
Tại TP Hồ Chí Minh đã có 26 DN ra thông báo cho gần 3.000 lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 NLĐ; một số DN phải giảm giờ làm. Trong tháng 10, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người.
Khó khăn chồng chất
Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra doanh nghiệp ở hầu hết ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn hàng cho năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...
Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu gặp khó còn do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của DN tại các thị trường quốc tế. Trong đó, nguyên nhân là giá dầu thế giới bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại Hà Nội và TPHCM vẫn chưa được tháo gỡ khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh; tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.
Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho biết nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, mặc dù hiện nay lạm phát đang trong tầm kiểm soát, nhưng với những diễn biến phức tạp về kinh tế tài chính ở trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua, thì nguy cơ thị trường lao động tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực khi DN giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất kinh doanh; chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao…
Theo Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại 44 tỉnh, thành phố có hơn 1.200 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động với khoảng 500.000 lao động bị ảnh hưởng, gần 42.000 lao động bị mất việc. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ ở khu vực phía Nam.