Phát triển 'cây làm giàu' ở Lai Châu

Tuệ Phương 10/12/2022 09:00

Chỉ ít năm trước đây, chưa ai dám nghĩ nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình ở Lai Châu có thể làm giàu từ cây chè. Bởi cây chè vốn được trồng tự phát, được bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu. Bản thân người dân, do chưa nhận thức được việc phát triển cây hàng hóa nên cũng chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp. Nhưng bây giờ, cây chè ở tỉnh Lai Châu đã khẳng định được vị trí trong các sản phẩm nông nghiệp, trở thành “cây làm giàu” cho nhiều hộ gia đình.

Người dân huyện Tân Uyên đổi đời nhờ sản xuất chuyên canh tập trung. Ảnh: Khắc Kiên.

Chỉ sau hơn 10 năm triển khai trồng chè, huyện Tam Đường không còn cảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè bát ngát. Những địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, thị trấn Tam Đường… cây chè đã trở thành thứ “vàng xanh” đối với người dân. Trong đó, tập trung trồng các loại chè như: Shan tuyết, kim tuyên, PH8. Diện tích trồng chè toàn huyện đạt 2.000 ha. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

Tính đến cuối năm 2022, Lai Châu có 8.900ha chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh 6.931ha. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích. Đặc biệt, toàn tỉnh có 211ha chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, chiếm 2,4% tổng số diện tích chè toàn tỉnh; trong đó có 60ha được chứng nhận VietGAP; 25,96ha chè được chứng nhận hữu cơ và 125,57ha chè được chứng nhận RA. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên và huyện Tam Đường.

Toàn tỉnh có 92 cơ sở chế biến chè; trong đó, có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên. Chè Lai Châu có hương thơm nồng đượm, vị ngọt đậm và chát dịu, nước chè sánh trong vắt, không lẫn tạp chất; rất đặc trưng mà không có vùng chè nào sánh được. Các sản phẩm chè Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trường như: Trung Quốc, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ…

Nhận thức về giá trị của cây chè, Lai Châu tập trung vào bảo tồn những cây chè cổ thụ. Xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) vốn có hơn 10ha chè cổ thụ. “Rừng” chè có đến hơn 1.000 gốc, nhiều cây chè cao từ 5-6m, muốn hái búp phải bắc thang. Sà Dề Phìn có khí hậu mát mẻ quanh năm, nên vị chè hết sức đặc biệt. Hiện 100% sản phẩm chè cổ Sà Dề Phìn được bao tiêu sản phẩm.

Rừng chè tạo cảnh quan nên cây chè không chỉ để thu hoạch làm sản phẩm mà còn được định hướng phát triển du lịch. Đây cũng là định hướng của một số huyện có diện tích trồng chè lớn trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Tân Uyên, Tam Đường… Những đồi chè ở huyện Tân Uyên đẹp có tiếng. Màu xanh ngút ngàn của đồi chè ẩn mình dưới những dãy núi được Tân Uyên biến thành hoạt động du lịch cộng đồng, gồm các dịch vụ quay phim, chụp ảnh, hái chè, thưởng chè. Từ Tân Uyên, khách du lịch có thể đi đèo Ô Quý Hồ nối giữa Lào Cai và Lai Châu, đi thăm bản Y Tý (Lào Cai) với giao thông thuận lợi. Điều này càng khiến những đồi chè Tân Uyên nổi tiếng.

Theo ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đến nay cây chè đã khẳng định được vị thế và trở thành sản phẩm có giá trị, tiềm năng của tỉnh; góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn.

Tuệ Phương