Thành tựu mới khám phá vũ trụ
Công cuộc khám phá vũ trụ đã tiến những bước dài. Mới đây, tối 4/12, tàu Thần Châu 14 của Trung Quốc cùng 3 phi hành gia đã trở về Trái đất an toàn sau 6 tháng trên vũ trụ. Con tàu đã hạ cánh xuống một địa điểm ở khu tự trị Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. Còn hôm nay, 11/12, người Mỹ sẽ đón tàu Orion trở về Trái đất sau khi hoàn thành sứ mệnh Artemis 1.
Tàu Thần Châu 14 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc ngày 5/6, chở theo 3 nhà du hành vũ trụ gồm chỉ huy Chen Dong, Liu Yang và Cai Xuzhe. Nhiệm vụ của họ là tham gia xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung theo cấu trúc 3 module cơ bản, bao gồm module lõi Thiên Hòa hiện nay đang quay quanh Trái đất và 2 module Vấn Thiên, Mộng Thiên.
Còn vào tối 29/11 vừa qua, Trung Quốc đã phóng tàu Thần Châu 15 đưa 3 phi hành gia nước này lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là sứ mệnh phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm nay và là chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc ở quỹ đạo của Trái đất.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, tàu Thần Châu 15 đã kết nối thành công với trạm Thiên Cung vào rạng sáng 30/11. Sau khi cập bến module lõi, 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu 15 có thời gian 1 tuần để bàn giao với các đồng nghiệp trong sứ mệnh Thần Châu 14 đã ở trạm Thiên Cung từ tháng 6.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành việc thay người ngay trong vũ trụ, qua đó có thể giúp xác nhận mô hình thay người định kỳ sau này, bởi việc có đến 6 người ở cùng lúc trên trạm là một thách thức lớn trong việc phân bổ các nguồn lực.
Trước đó, ngày 17/6, tàu vũ trụ Thần Châu 12 đã kết nối với module lõi Thiên Hòa sau quá trình khoảng 6,5 giờ. Ngay sau đó, 3 phi hành gia Trung Quốc được đưa lên module lõi Thiên Hòa để xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên có tên Thiên Cung của nước này. Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 12 mang theo 3 phi hành gia đã được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở tây bắc Trung Quốc lúc 9h22’ sáng 17/6 (giờ Bắc Kinh). Họ sống trong module lõi Thiên Hòa dài 16,6 mét; đồng thời thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, lắp đặt và kiểm tra các thiết bị trên Trạm vũ trụ Thiên Cung.
Vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu 12 là sứ mệnh thứ ba trong vòng chưa đầy 2 tháng để thực hiện chương trình trạm vũ trụ của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã phóng thành công module lõi Thiên Hòa vào ngày 29/4 và tàu chở hàng Thiên Châu 2 vào ngày 29/5.
Nếu như Trạm không gian quốc tế (ISS) thật sự "nghỉ hưu" vào năm 2025 thì Thiên Cung sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian lúc đó.
Cùng sứ mệnh chinh phục vũ trụ, ngày 28/11 (giờ Mỹ), tàu Orion đã ở vị trí cách cách Trái đất khoảng 430.000 km, mức xa nhất mà một tàu vũ trụ được thiết kế chở người có thể đạt đến. Từ khoảng cách này, máy ảnh của tàu vũ trụ Orion đã chụp được hình ảnh chưa từng thấy: Mặt trăng che khuất Trái đất.
Trong sứ mệnh Artemis 1, không có phi hành gia nào có mặt trên tàu Orion, thay đó là 3 hình nộm được gắn các cảm biến trong trang phục du hành vũ trụ, cho phép ghi nhận những số liệu trong suốt cuộc hành trình. Sứ mệnh này nhằm kiểm tra khả năng của tên lửa Hệ thống phóng không gian và tàu vũ trụ Orion khi chúng hoạt động trong không gian, bao gồm việc quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Ông Bill Nelson - Giám đốc NASA, nói: "Chúng ta không chỉ đi xa hơn và về nhà nhanh hơn mà Artemis còn mở đường cho việc sống và làm việc trong không gian sâu thẳm, trong một môi trường khắc nghiệt, để phát minh, sáng tạo và cuối cùng là để tiếp tục hướng tới đưa con người lên sao Hỏa".
Còn hôm nay, 11/12, lúc 9h40’ (giờ địa phương) tàu Orion sẽ trở về Trái đất sau khi rời Mặt trăng, và sẽ hạ cánh xuống Thái Bình dương ở ngoài khơi San Diego. Sau đó, tàu Orion sẽ được đưa lên một tàu của Hải quân Mỹ đã chờ sẵn.
Theo thông báo của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), tàu vũ trụ Orion đã bay rất gần Mặt trăng. Tại điểm tiếp cận gần nhất, nó chỉ cách bề mặt Mặt trăng chưa tới 130km. Bà Debbie Korth - Phó giám đốc Chương trình Orion - cho biết: "Chúng tôi rất hài lòng về hoạt động của tàu vũ trụ này khi nó đã bay xa hơn 64.374 km phía sau phần tối của Mặt trăng, cách bề mặt Trái đất 434.523 km. Sau khi quay trở lại Trái đất, Orion sẽ đi được quãng đường hơn 2,2 triệu km”.