Pà Khà - khi mùa đông đến
Cuối năm, Pù Luông chìm trong sương giá. Bản Pà Khà, xã Thành Sơn, huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) cũng vậy. Tôi cứ có cảm giác, ở đây hình như gió bấc đã làm đông đặc mọi vật và hóa băng cả những tiếng thở dài…
Nỗi buồn khó gọi tên
Tôi chạm Pù Luông khi những cơn gió bấc đã kéo thảm mây mù, xám như màu bạc cũ xuống sát những sườn núi. Mưa phùn đã bắt đầu giăng kín các nẻo xa. Mùa đông ở đây, hoàng hôn buông nhanh hơn thường lệ. Khói chiều bay lên từ những nếp nhà sàn cũ kỹ rồi nhanh chóng hòa vào sương chiều. Vài người già trong lớp áo đi mưa, lặng lẽ theo sau những bầy trâu về bản. Ở đây, hình như các âm thanh của cuộc sống như được rút kiệm lại… Tất cả những thứ ấy đã tạo nên một bức tranh mùa đông khắc nghiệt.
Trong căn nhà sàn ọp ẹp, bốn bề trống hoác, gió lạnh đuổi nhau ràn rạt qua khe liếp, bà Ngân Thị Tưởng nằm co ro dưới tấm mền cũ kỹ. Đã gần 5 giờ chiều mà bếp của mẹ con bà vẫn chưa đỏ lửa. Trải trên khắp mặt sàn là ít lúa mới, suốt hôm trước không được nắng để phơi đã trương lên và thâm lại. Nghe tiếng người lạ dưới chân cầu thang, bà Tưởng mới nặng nề trở dậy rồi tập tễnh hối đứa con trai lớn lộc ngộc, dọn mớ chăn mền bừa bộn vào góc sàn. Khi tôi đã ngồi xuống bên bậu cửa hồi lâu mà bà vẫn còn loay tìm ly tách để rót nước mời khách. Sau vài phút tìm kiếm bà cất giọng ngượng ngùng: “Ôi, cái thằng con nó để đâu cả, các cháu thông cảm! Với lại, lâu rồi nhà không có khách”.
Bà Tưởng chưa già lắm nhưng bà cũng không còn nhớ mình năm nay đã bao nhiêu tuổi. Bà bảo, nhớ để làm gì cho cuộc đời thêm dài khi nó chỉ toàn là những ký ức nghèo đói, khổ đau và bất hạnh. Rồi không chờ tôi hỏi, bà Tưởng bắt đầu kể cho tôi nghe về những năm tháng bà đã và đang trải qua. Người ta vẫn thường nói, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nhưng với gia đình bà thì khác. Cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Gần 30 tuổi bà mới lấy chồng. Được vài năm, bà sinh cho chồng một đứa con trai, nhà đã túng lại càng thêm túng. Đến một buổi sáng, khi đứa con còn đỏ hỏn khát sữa khóc gắt lên gọi mẹ trở dậy thì chồng bà đã bỏ đi tự lúc nào. Đứa con được hơn tháng tuổi, bà Tưởng đã phải quấn nó vào miếng tã rồi cột chặt vào lưng, mẹ con mò mẫm tha nhau ra đồng kiếm ăn trong tiết đông giá. Bệnh thấp khớp cũng bắt đầu ập đến với bà từ đợt ấy.
“Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chẳng biết bằng cách nào, bà đã nuôi đứa con trai của mình đi qua hết mùa lúa này đến mùa lúa khác. “Bao nhiêu năm trời, mẹ con bà làm gì để nuôi nhau?” - Tôi hỏi cắt ngang câu chuyện. “Nhờ bà con dân bản đùm bọc, sự hỗ trợ của chính quyền và lúa thu hoạch được từ mấy thước ruộng dưới thung lũng nên cũng không đến nỗi đói cháu ạ, nhưng vất vả lắm” - Câu trả lời của bà như bị hụt đi và biến mất giữa những đợt gió lạnh. Tôi đưa mắt nhìn một lượt khắp sàn nhà. Giữa sàn là bếp lửa vẫn còn lạnh tanh, vài chiếc nồi méo mó, cáu bẩn treo hờ hững trên phên nứa.
Rời nhà bà Tưởng, tôi lần mò theo con đường đất đỏ lẫn đá cuội trơn chuội đi sâu xuống thung lũng. Bên dốc, vài nhà đã bắt đầu lên đèn, tiếng lợn réo đòi ăn, mùi phân trâu, bò ngai ngái. Phía sau các ô cửa tối là vài khuôn mặt không rõ già trẻ lẳng lặng, dõi theo bước chân của khách lạ trong buổi chạng vạng. Có điều gì đó nao nao, cứ nhen mãi lên mà tôi không thể gọi tên…
Mong chờ và hi vọng
Trước khi lên đây, tôi đã từng nghe người ta giành nhiều cho Pù Luông những mỹ từ như: Thiên đường nghỉ dưỡng lý tưởng giữa đại ngàn, những nương ngô vàng rực trong mùa thu hoạch và những thửa ruộng bậc thang màu mỡ, no đủ… nhưng không phải thế! Ít nhất là ở đây.
“Bà con dân bản còn khó khăn và nghèo quá anh ạ! Nghèo giữa cái đẹp hùng vĩ của núi rừng mà chưa tìm được lối thoát khả dĩ!” - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Hà Đức Hạnh nói. Rồi ông Hạnh cho hay: Hiện nay toàn bản Pà Khà có 86 hộ dân với 348 nhân khẩu mưu sinh chủ yếu là bám vào diện tích trồng lúa nước kém năng suất và ngô ít ỏi. Đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở đây mới chỉ đạt 15 triệu đồng/năm. Mà không chỉ riêng ở Pà Khà, hầu như tất cả thôn bản của xã đều nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Riêng ở Pà Khà, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới trên 37%. Điều duy nhất mà địa phương hy vọng là ngành du lịch cộng đồng có thể phát triển mạnh mẽ. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, đã có 5 nhà đầu tư đến đây xây dựng 5 khu nghỉ dưỡng cao cấp. Mặc dù chưa đóng góp được nhiều để góp phần làm thay đổi diện mạo của Thành Sơn nhưng các khu nghỉ dưỡng này đã thu hút được một bộ phận lao động tại chỗ và tạo nguồn thu nhập ổn định.
“Bà con ở đây chăm chỉ lắm, siêng năng lắm đấy nhưng cái nghèo vẫn không dứt ra được. Nguyên nhân chính có lẽ là vẫn do thiếu quỹ đất sản xuất. Trước kia thì còn có thể vào rừng tìm kế sinh nhai nhưng nay người dân không thể vào khu bảo tồn thiên nhiên để hái măng, lấy nấm, tìm thảo dược. Đã có nhiều chương trình hỗ trợ mang tính ưu việt của nhà nước được áp dụng vào đây để giúp người dân thoát nghèo nhưng chưa đem lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Có lẽ cái cần thay đổi nhất với họ lúc này là tư duy sản xuất. Chỉ có thay đổi được trong cách nghĩ, cách làm mới có thể đổi thay” - ông Hạnh nói như phân bua.
Nhắc đến “kế sách” để giúp Thành Sơn thoát nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Nguyễn Chí Công khá rụt rè bày tỏ. "Cái khó nó bó cái khôn! Bao nhiêu nhiệm kỳ, bao nhiêu thế hệ cán bộ đi tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo ở đây nhưng đều bất lực. Cái chính là thiếu đất sản xuất và không có nghành nghề phụ. Ngoài bấu víu vào số diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, người dân Thành Sơn nói chung và Pà Khà nói riêng không biết làm gì khác để mưu sinh. Nỗ lực lắm thì cũng chỉ đạt được mục tiêu… không còn phải xin Nhà nước hỗ trợ gạo mỗi khi giáp hạt. Ngay cả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã bắt tay vào xây dựng từ khi có chủ trương nhưng đến nay, xã mới chỉ đạt được 9/19 tiêu chí. Mục tiêu là đến năm 2030 xã sẽ về đích nông thôn mới. Nhưng đó chỉ là cái mốc đặt ra để phấn đấu thôi… Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, chúng tôi đang đem mô hình trồng cây quýt hôi về áp dụng trồng thử nghiệm. Đồng thời khuyến khích bà con mở rộng mô hình chăn nuôi lợn cỏ và gà thả vườn theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn cần những đề án phát phát triển kinh tế mang tầm chiến lược của Nhà nước được đưa vào áp dụng. Có như vậy người dân mới có cơ hội thoát nghèo bền vững” - ông Công bày tỏ.
Tôi từ biệt Pà Khà khi bóng tối đã hiện hữu. Bà Tưởng khó nhọc lê đôi chân thấp khớp của mình ra tận cầu thang để dõi theo. Trong sâu xa, bà cũng mong mùa xuân đến sớm. Nắng ấm sẽ đem căn bệnh khốn khổ rời xa. Và biết đâu đấy, ăn tết xong bà sẽ được nhận vào làm lao công tại một trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng ngoài kia, cuộc sống của 2 mẹ con rồi sẽ khác…