10 ngày tới Hà Nội tiếp tục rét đậm, có lúc chỉ 10 độ C
Từ nay đến ngày 10/1/2023, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc khả năng xảy ra rét đậm, rét hại và tập trung trong thời kỳ nửa cuối tháng 12/2022, đầu tháng 1/2023.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc đang vào chính đông nên không khí lạnh liên tục bổ sung khiến trời rét kéo dài. Khoảng 2 ngày tới (13/12), Bắc Bộ đón không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt tiếp tục giảm sâu, trời rét đậm, rét hại diện rộng.
Tại Hà Nội, từ 13-15/12, nhiệt độ phổ biển 11-20 độ C. Các ngày 18-19/12, nhiệt độ ở Hà Nội giảm, thấp nhất ghi nhận mức 10 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 10/1/2023, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc khả năng xảy ra rét đậm, rét hại và tập trung trong thời kỳ nửa cuối tháng 12/2022, đầu tháng 1/2023.
Trong khi đó, rãnh thấp xích đạo vẫn có thể gây mưa tại các tỉnh phía Nam từ nay tới ngày 10/1/2023, đồng thời vẫn còn nguy cơ xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông.
Nhiệt độ trung bình trên cả nước trong thời kỳ này cũng phổ biến thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Trong đó, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với cùng thời kỳ.
[Bắc Bộ tiếp tục rét đậm, rét hại, có nơi dưới 9 độ]
Chú ý sức khỏe người già, trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người - nhất là trẻ nhỏ và người già - mắc bệnh về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Trời rét khiến người cao tuổi dễ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch, như rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt; tê cóng, bệnh xương khớp... Trong đó, đột quỵ là chứng bệnh hay gặp trong những ngày trời lạnh, đặc biệt là với người già, người có bệnh nền…
Bên cạnh đó, khi rét đậm, hạ thân nhiệt là biến chứng nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng xấu tới não bộ và có thể gây tử vong, thường gặp ở người già, trẻ em, người làm việc quá lâu ở ngoài trời lạnh... Trời rét còn gây cước chân, tay. Trường hợp cước nặng có thể gây mất cảm giác kéo dài hoặc suốt đời, thậm chí dẫn đến hoại thư, có thể phải cắt chi.
Giữ ấm cơ thể khi trời rét
Theo chuyên gia y tế tiết trời giá rét, giữ ấm cơ thể luôn là cách tốt nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, bạn không phải chỉ chú ý mặc nhiều để chống gió rét từ bên ngoài mà còn phải lo giữ nhiệt từ bên trong. Cụ thể:
Ăn uống đầy đủ: Trời càng rét, cơ thể càng cần được nạp đầy đủ năng lượng thì mới có thể chống đỡ với giá rét. Bên cạnh việc ăn đủ chất, uống đủ nước, cần chú ý ăn chín uống sôi, hạn chế thực phẩm có tính hàn, tăng cường thực phẩm có tính nhiệt. Nên ăn lúc nóng, uống nước ấm, không dùng đồ trực tiếp lấy ra từ tủ lạnh. Không nên uống rượu bia vào mùa đông; sau khi uống rượu bia không đi ra ngoài khi trời gió lạnh.
Trang phục: Mặc nhiều lớp là cách tốt để phòng giá rét thay vì mặc áo thật dày. Nhiều áo mỏng sẽ góp phần chắn gió để cái lạnh khó luồn vào cơ thể, và khi vào trong phòng ấm hay khi nhiệt độ tăng sẽ dễ dàng cởi bớt áo mà vẫn giữ ấm cho cơ thể. Luôn có mũ, khăn, tất, găng tay, khẩu trang để giữ ấm vùng đầu, cổ, mặt, tay chân.
Vận động thường xuyên: Giá rét khiến bạn không thể ra ngoài trời tập thể dục nhưng không có nghĩa là bạn được dừng vận động. Trời càng rét càng cần thường xuyên vận động để lưu thông máu cho cơ thể; không nên ngồi, nằm ỳ một chỗ. Hãy tập các động tác thể dục trong nhà, tự xoa bóp, mát xa các vùng cơ thể.
Ngâm chân bằng nước nóng: Đôi bàn chân được ví là quả tim thứ hai của cơ thể bởi có nhiều dây thần kinh và mạch máu. Để giữ ấm cơ thể từ đôi bàn chân, góp phần lưu thông máu, tránh tê bì, mỗi buổi tối có thể ngâm chân nước nóng khoảng 20 - 30 phút.