Tăng cơ chế kiểm soát quyền lực
Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực, quyết định những vấn đề có lợi cho bản thân, cho “nhóm lợi ích” của mình. Theo ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá giáo dục), kiểm soát được quyền lực chính là biện pháp để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là do chưa kiểm soát chặt chẽ quyền lực, nhất là người có chức vụ quyền hạn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Lê Như Tiến: Tôi cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa tốt chỉ là một yếu tố. Nó là nguyên nhân quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nguyên nhân lớn nhất theo tôi chính là sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất. Đó mới là cái quan trọng nhất. Bởi nếu phẩm chất đạo đức tốt, không cần cơ chế kiểm soát quyền lực thì người ta vẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không tham nhũng, tiêu cực. Họ có đủ tư cách, đạo đức, phẩm chất thì sẽ không tham nhũng vì nó làm hoen ố danh dự của người cán bộ, đảng viên. Cơ chế kiểm soát quyền lực là để ngăn chặn những kẻ có ý định tham nhũng, tiêu cực không thể tham nhũng. Do đó kiểm soát quyền lực là để họ không thể tham nhũng hay có hành vi tiêu cực.
Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở trách nhiệm của người đứng đầu, thưa ông?
- Cơ quan, đơn vị nào cũng có người đứng đầu. “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Vừa qua có một số người đứng đầu tại một số bộ, ngành, địa phương “nhúng chàm” vi phạm pháp luật, tham nhũng. Trên không liêm thì làm sao nói được cấp dưới?
Do đó cần xây dựng cơ chế giải trình của người đứng đầu để giải trình trước cơ quan về vấn đề bản thân và cơ quan mình. Rồi nêu cao vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là nhân dân. Đây là kênh quan trọng để giám sát, kiểm tra người đứng đầu. Cán bộ đảng viên, công chức nơi công tác, và người dân nơi cư trú là “tai mắt” của Đảng, của chính quyền giám sát họ. Đổi nhà, đổi xe, khách đến nườm nượp vào dịp lễ tết, sinh nhật thì người dân đều biết hết.
Muốn vậy chúng ta rất cần xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực của người đứng đầu?
- Phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Bởi những người có chức, có quyền dễ lạm quyền, lộng quyền, và chuyên quyền. Tự cho mình được quyền “định đoạt” tất cả. Cho nên kiểm soát quyền lực để “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật, vào lồng cơ chế”.
Vì họ là người đứng đầu nên cán bộ đảng viên, công chức nơi công tác thường sợ bị trù dập, trù úm. Do đó muốn giám sát người đứng đầu chúng ta cần tạo cơ chế để cho người dân nơi cư trú, hay cán bộ đảng viên, công chức nơi họ công tác có quyền phản ánh, và có cơ chế bảo vệ họ khỏi mục đích trả thù, trù dập. Và chúng ta cần phải xây dựng những cơ chế đó.
Định kỳ người đứng đầu phải báo cáo trước các cán bộ, đảng viên, công nhân viên về công việc của mình và cơ quan để họ còn theo dõi và giám sát. Bên cạnh đó tại mỗi cơ quan đều có tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Do đó cần có cơ chế để họ giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Nếu chúng ta biết phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan và các đảng viên thì đây sẽ là kênh hữu hiệu để giám sát quyền lực của người đứng đầu.
Người đứng đầu phải giải trình trước cơ quan cấp trên, cơ quan chủ quản và giải trình trước chính cán bộ, công chức tại cơ quan mình công tác để họ kiểm soát và giám sát. Thượng tôn pháp luật là điều quan trọng nhất, và làm sao để cán bộ “sợ luật”, tuân thủ pháp luật, không dám vượt qua hành lang pháp lý.
Khi họ vi phạm, bất kể là ai cũng cần phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Việc làm đúng, xử đúng sẽ làm gương để cho người khác noi theo và không dám làm trái.
Cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực chúng ta phải cần có những biện pháp hỗ trợ nào nữa, thưa ông?
- Đầu tiên phải giáo dục để cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác, chấp hành các quy định của pháp luật, và Điều lệ, quy định của Đảng. Đảng đã có quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Cán bộ công chức cũng đã quy định rất rõ những điều cán bộ công chức không được làm. Việc tăng cường giáo dục để họ có lòng tự trọng, không muốn do mình mà làm “hoen ố” thanh danh của người cán bộ, đảng viên. Đó mới là cái “gốc” của vấn đề. Bên cạnh đó, việc giáo dục còn có tác dụng để cán bộ, đảng viên rèn luyện, phải tuân thủ pháp luật trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghĩa là mỗi cán bộ đảng viên phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Đặc biệt cần tăng cường sự thanh tra, kiểm tra kịp thời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ví như Đảng có cơ quan kiểm tra; Nhà nước có cơ quan thanh tra; các cơ quan dân cử là Quốc hội và HĐND thì có chức năng giám sát. Rồi sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật như: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Chúng ta cần phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nêu cao vai trò giám sát của nhân dân. Nhân dân có quyền giám sát, đó chính là tham gia tích cực vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của nhân dân, vì nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!