Du lịch, nhiều dấu hiệu khởi sắc
Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ngành du lịch Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid -19. Lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2022 cũng ước đạt 4,5 triệu lượt người; trong đó, khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019...
Khảo sát các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch, lữ hành và vận tải của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tháng10 - 11/2022 cho thấy, có đến 32,6% số DN cho biết, doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số DN có doanh thu giảm. 60% DN ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023.
Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.
Dù vậy, đối với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể đạt được. Theo Tổng cục Thống kê, con số 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng còn khá xa so với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 mà ngành du lịch đặt ra hồi đầu năm.
Sẽ rất khó để chỉ trong 1 tháng cuối cùng của năm, Việt Nam có thể đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang khó khăn như hiện nay. Có thể phải tới quý 3/2023 trở đi, thị trường du lịch quốc tế mới có thể tăng tốc hồi phục trở lại.
Theo ông Vũ Đăng Vinh - Tổng giám đốc Vietnam Report, những thành quả khống chế dịch bệnh của Đảng và Nhà nước cùng với việc chọn thời điểm mở cửa du lịch phù hợp đã giúp ngành công nghiệp không khói phần nào gượng dậy sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, chặng đường để có thể quay lại mức tăng trưởng thần kỳ như nhiều năm trước đây vẫn còn rất nhiều rào cản. Sự phục hồi thực sự sẽ chỉ có thể thực hiện được khi du lịch quốc tế quay trở lại.
Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay có thể khó đạt, song theo các chuyên gia trong ngành, chúng ta nên không quá kỳ vọng vào con số, mà cần nỗ lực để ngành du lịch nước nhà có thể phục hồi và bứt phá khi các cơ hội đang mở ra. Đơn cử như Việt Nam có nhiều sản phẩm vùng miền đặc sắc hấp dẫn du khách, nhiều cảnh quan đẹp và con người thì thân thiện, cởi mở... Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội, phát huy các lợi thế, DN cần phải hết sức nỗ lực trong quảng bá hình ảnh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ... Cùng với đó, vấn đề liên kết vùng trong phát triển du lịch cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch do TP Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, thời gian tới ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các tỉnh địa phương trong việc xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt TP Hà Nội cần thể hiện vai trò trung tâm kết nối các địa phương, thu hút lượng khách du lịch đến với Thủ đô...
Vietnam Report cũng chỉ ra 3 thách thức chính của ngành du lịch - vận tải hành khách, đó là chất lượng nhân sự còn yếu kém; thiếu nguồn cung lao động và thiếu sản phẩm du lịch. Để khắc phục những hạn chế chế nói trên, cần có sự nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng; đồng thời, tăng cường quảng bá, truyền thông về những dịch vụ du lịch; các mô hình sản phẩm du lịch gắn với phát triển bền vững…