Thực tập tại doanh nghiệp: Cơ hội vào thị trường lao động
Với chương trình đào tạo 30% lý thuyết, 70% thực hành, nhiều trường nghề hiện nay đã thành công tạo cơ hội cho sinh viên được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng ngay khi còn đang học trong trường.
Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghiệp Nam Định cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cọ xát với thực tế, gắn kết những lý thuyết đã học trong trường với môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế trong các DN, trường đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và DN để đưa học sinh, sinh viên đến DN thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của DN. Hiện trường đang hợp tác với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo nhằm tạo điều kiện giúp học viên, học sinh có cơ hội tiếp xúc, thực hành đúng ngành nghề mình được đào tạo.
Nguyễn Văn Cường, sinh viên K45 ngành Thiết kế đồ họa, Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, ở chương trình đào tạo năm thứ 2, Cường và các bạn trong lớp đã có cơ hội được trải nghiệm thực tập DN tại Công ty TNHH Esoft Vietnam. “Trong quá trình thực tập tại công ty, em đã học hỏi thêm nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, đồng thời áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, em còn có cơ hội quan sát và hiểu rõ hơn về vị trí công việc liên quan đến ngành học, văn hóa và môi trường DN. Thông qua các hoạt động giao tiếp, ứng xử, thuyết trình và làm việc nhóm trong khi thực tập giúp em hoàn thiện kỹ năng mềm – là một nhân tố vô cùng quan trọng đối với nghề nghiệp tương lai”- Cường chia sẻ.
Đại diện Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, theo chương trình đào tạo, ngoài thời lượng chủ yếu là thực hành, sinh viên sẽ phải có 700 giờ thực tập tại DN với 300 giờ thực tập trải nghiệm và 400 giờ thực tập tốt nghiệp.
Trong đó, thời gian thực tập được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là học việc trong vòng 6 tuần tại công ty. Đây là giai đoạn để sinh viên được hướng dẫn, làm quen với công việc và văn hóa DN, thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là giai đoạn được đào tạo lý thuyết và thực hành bài bản từ công ty để áp dụng vào công việc.
Ở giai đoạn thứ hai là thực tập tại công ty, sinh viên được nhận những công việc chính thức của công ty, được áp dụng những kỹ năng đã được đào tạo tại nhà trường vào công việc.
Sinh viên không chỉ được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà còn có thể được trả lương từ chính những sản phẩm mình làm trong thời gian thực tập. Học đi đôi với hành chính là điều các trường đang nỗ lực thực hiện để sinh viên ra trường có đủ kiến thức và chuẩn kỹ năng, cùng với các kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình thực tập và trải nghiệm sẽ mở ra cơ hội việc làm với mức lương hợp lý.
TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định học đi đôi với hành là rất quan trọng. Hiện đã mở ra cơ chế cho phép trường đào tạo 40% thời gian đào tạo trong DN. Trong thời gian tới các trường nghề phải tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, số hóa, áp dụng CNTT trong đào tạo. Bên cạnh đào tạo chính quy, đào tạo trực tiếp thì đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, đào tạo tại DN, đào tạo từ xa kết hợp trực tiếp. Coi DN là nhà trường thứ hai.