Mừng lúa mới - nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều
“Mừng lúa mới” là dịp đồng bào dân tộc Vân Kiều báo cáo, tạ ơn với tổ tiên, thần linh về một vụ mùa bội thu. Đây cũng là dịp để người Vân Kiều kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Thu hoạch mùa màng xong xuôi, đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) lại tổ chức lễ hội “Mừng lúa mới” để cảm tạ tổ tiên, thần linh đã ban cho họ một vụ mùa bội thu, no đủ.
Năm nay được Phòng Văn hóa thông tin huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Hướng Phùng tổ chức, lễ hội “Mừng lúa mới” của người dân nơi đây càng thêm phần vui tươi, nhộn nhịp.
Mở đầu lễ hội, các chàng trai, cô gái Vân Kiều với A chói và A giăng (gùi và giỏ) mang bên hông tái hiện lại khung cảnh người dân lên rẫy thu hoạch lúa. Với những bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ của các chàng trai, cô gái Vân Kiều, A chói và A giăng nhanh chóng được lấp đầy, trĩu nặng bởi những hạt lúa chắc đẫy, chín đượm đúng độ, vàng ươm.
Thông thường, sau khi đem lúa về nhà, bà con sẽ dành ít nhất 3 ngày để phơi khô, làm sạch, chọn lọc những hạt lúa chắc đẫy nhất đem cất vào kho. Từ những hạt lúa khô đã làm sạch, người phụ nữ trong các gia đình sử dụng cối gỗ giã, sàng sảy để tạo nên thành phẩm là những mẻ gạo trắng trẻo, thơm nồng.
Để có được mâm lễ vật dâng lên báo cáo, cảm tạ tổ tiên, thần linh trong lễ hội “Mừng lúa mới”, những chàng trai Vân Kiều khỏe khoắn, khôi ngô cầm cung, nỏ trong tay và đeo nơm bên mình lên rừng, xuống suối để tìm kiếm sản vật mà thiên nhiên ban tặng như: Cá, cua, mật ong… Về phần mình, những cô gái Vân Kiều sẽ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, hái lượm thêm rau củ… để chuẩn bị cho những món ẩm thực.
Từ hạt gạo trắng, thơm nồng; từ dòng nước mát trong và sản vật thiên nhiên đã được các chàng trai, cô gái mang về… đồng bào dân tộc Vân Kiều với đôi tay khéo léo đã chế biến ra những món ăn độc đáo; những ống cơm lam, hũ rượu cần, rượu trắng… thơm ngon làm lễ vật dâng lên tổ tiên, thần linh.
Lễ vật bày biện xong, người chủ họ, lớn tuổi, có uy tín trong dòng họ bắt đầu thực hiện nghi lễ. Theo truyền thống của người Vân Kiều, người chủ lễ sẽ thay mặt tất cả mọi người trong dòng họ, cộng đồng mời tổ tiên, các vị thần linh về dự; cảm ơn tổ tiên, thần linh đã ban cho họ một vụ mùa bội thu và cầu mong cho vụ tới được mưa thuận, gió hòa.
Cũng trong “Mừng lúa mới”, sau khi hoàn tất phần lễ, người Vân Kiều cùng hòa mình trong phần hội. Lúc ấy, không khí trở nên vui tươi, rộn ràng với tiếng khèn, tiếng đàn của các chàng trai vang lên hòa quyện với tiếng hát của những cô gái qua làn điệu dân ca.
Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hướng Hóa cho biết, lễ hội “Mừng lúa mới” là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều.
Thời gia qua huyện Hướng Hóa đã có nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực để tập trung bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn. Điển hình như, Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy, Kế hoạch 479/KH-UBND của UBND huyện… trên cơ sở đó, vừa qua, chúng tôi đã tổ chức phục dựng thành công lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào Vân Kiều” - bà Huyền nói.
Đồng thời, từ nay đến năm 2025, mỗi năm huyện Hướng Hóa sẽ tổ chức phục dựng một lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… qua đó, vừa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa kết hợp phát triển kinh tế.
Ngày 28/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện. Trong đó xác định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết của huyện Hướng Hóa; việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này phải gắn liền với việc ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa; các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.