Doanh nghiệp chờ vốn ngân hàng
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn luôn cần vốn để hồi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% của các tổ chức tín dụng đã giúp cơn khát vốn của doanh nghiệp phần nào dịu bớt. Tuy nhiên, rất quan trọng là nắn dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt và thanh khoản hệ thống cải thiện hơn. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%.
Quan trọng là phải nhanh chóng giải ngân
Ghi nhận một số doanh nghiệp (DN) cho thấy, “room” tín dụng cho các ngân hàng đã được mở nhưng DN cần được giải ngân nhanh dòng vốn để tăng tốc cho mùa vụ cuối năm. Đồng thời, nới room tín dụng để giảm bớt gánh nặng lãi vay cho người dân, DN.
Giám đốc một DN bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều DN ngành bất động sản phải tìm mọi cách xoay xở để lo nguồn vốn, thậm chí phải vay vốn lãi suất cao bên ngoài để duy trì hoạt động. Do đó, việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với DN. Quan trọng là tín dụng nhanh chóng được giải ngân cho vay.
Là một trong những nhóm ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, thời gian qua nhiều DN ngành lương thực, thực phẩm thành phố phải tìm mọi cách xoay sở để lo nguồn vốn, thậm chí đi tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Theo bà Chi, việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với DN. Quan trọng là nhanh chóng được giải ngân cho vay.
Ông Hồ Thành Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, nhu cầu về nguồn vốn của đại bộ phận DN đang rất thiếu. Vì thế nhiều DN đang rất cần được hỗ trợ dòng tiền, giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh.
Bình luận về việc tăng chỉ tiêu tín dụng của NHNN, các chuyên gia đánh giá đây là động thái cần phải làm ngay để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế giai đoạn cuối năm. Quyết định này sẽ có 3 tác động chính: góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của DN và người dân; hỗ trợ DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường; và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, động thái kịp thời này sẽ giúp giảm bớt những lo ngại về việc nợ xấu phát sinh, lãi cũ thu được và lãi mới phát sinh trên sổ sách, từ đó giúp ngân hàng tăng thu nhập trong quý cuối cùng của năm 2022. Trong khi đó, các DN đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng nhờ room mới.
Nới room tín dụng đi cùng cắt giảm thủ tục hành chính
Tuy nhiên, lại có ý kiến lo ngại room tín dụng được nới, DN khát vốn song tiền lại chảy sai địa điểm. TS Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng NHNN không nới room cào bằng mà sẽ chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố. Thứ nhất, phải đủ nguồn lực vốn. Thứ hai, phải giữ ổn định được lãi suất để cho vay ra với lãi suất hợp lý. Thứ ba, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.
Ông Hùng cũng cho biết, trong phiên họp nội bộ với các thành viên do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 7/12 các ngân hàng thương mại cũng xác định rõ phải tập trung tín dụng vào sản xuất theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
“Đây cũng là một trong những trọng tâm mà NHNN sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng. Tôi cho rằng, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro từ nay đến cuối năm khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ” - ông Hùng khẳng định.
Mặc dù room tín dụng được nới, song theo ông Hùng, bản thân DN và ngân hàng cũng cần rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. “Các DN trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, theo tôi, DN cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng cùng với việc nới room tín dụng hợp lý và giảm lãi suất cho vay, cần cắt giảm thủ tục hành chính; cùng với đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi; miễn, giảm phí, lệ phí cho DN.
Cùng đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Phía cơ quan quản lý cũng cho biết, thời gian tới sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu, định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023. NHNN tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để hỗ trợ DN vay vốn.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế:
Ngân hàng “nới room” sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại
“Việc điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của NHNN cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường. Quyết định nới room chắc chắn đã được đưa ra từ những đánh giá toàn diện và thận trọng về lợi ích với cả nền kinh tế. Việc ngân hàng mở lại room tín dụng sẽ góp phần giúp DN hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay”.
TS Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng:
Doanh nghiệp nên duy trì ổn định sản xuất
Các DN trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, DN cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống.