Trường đại học chuyển mô hình đa lĩnh vực đào tạo: Liệu có bảo đảm chất lượng?
Khi một trường đại học được nâng cấp thành đại học, nhà trường sẽ có nhiều điều kiện để phát triển tốt hơn nhưng khi các trường chuyển đổi thành đại học đa lĩnh vực, đa ngành đào tạo, nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng đào tạo.
Nâng cấp lên đại học để làm gì?
Theo Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, điều kiện để trường đại học chuyển thành đại học là: Đạt công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học, có ít nhất 3 trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên, có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Trước khi Đại học Bách Khoa Hà Nội được đổi tên, nhiều trường đại học cũng đang thực hiện đề án chuyển đổi mô hình trở thành đại học. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều trường đang nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi mô hình thành đại học đa lĩnh vực, thành lập nhiều trường đại học thành viên.
Có thể nhắc tới một số trường như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, sở dĩ việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên.
Một đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng.
Về tổ chức quản trị, Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học. Khi đó, Hội đồng đại học sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.
Như vậy, trường đại học trở thành đại học không chỉ khác nhau ở tên gọi mà về quy mô, đại học sẽ có tầm vóc, vị thế cao hơn so với trường đại học.
Siết chặt việc chuyển đổi từ trường đại học thành đại học
Trước khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi mô hình đại học, cả nước có 5 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.
Ủng hộ việc các trường đặt mục tiêu hướng tới đại học đa lĩnh vực là xu hướng tốt, nhưng GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho rằng, việc chuyển đổi đa lĩnh vực phải đích thực bởi như 5 đại học của Việt Nam còn có đại học chưa hoạt động đúng với tính chất đa lĩnh vực.
Nguyên nhân theo GS.TS Lâm Quang Thiệp là do việc sáp nhập chỉ mang tính cơ học, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo.
Ông Thiệp cũng cho biết: "Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thuật ngữ "đại học - trường đại học" khi dịch sang tiếng Anh bị nhiễu, thế giới bất ngờ về mô hình đại học mẹ - đại học con của Việt Nam”.
Quan tâm việc chuyển thành đại học sẽ mang lại lợi ích gì cho người học và mối quan hệ cộng sinh giữa các trường thành viên với nhau nên ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, nếu sau chuyển đổi, sinh viên vẫn học theo chương trình cũ, cách thức cũ thì không có nhiều ý nghĩa, chẳng khác nào "bình mới rượu cũ".
Ông Tùng e rằng khi nhiều đại học ra đời thì chữ "đại học" cũng không còn nhiều ý nghĩa. Do vậy, ông Tùng nêu quan điểm, Bộ GDĐT cần quy định siết chặt việc chuyển đổi từ trường đại học thành đại học, chỉ đơn vị nào đủ thực lực, chất lượng thực sự mới chuyển, quan trọng là đóng góp giúp người học chuyển biến tốt hơn, hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình.
Ông Sơn cũng lưu ý: “Không phải cứ lên đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp”.