Sắp diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm

M.Loan 12/12/2022 13:59

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp, khu vực doanh nghiệp tiếp tục chịu những tác động mạnh bởi hàng loạt khó khăn, Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn về kinh tế vĩ mô, cùng nhiều thách thức của nền kinh tế.

Để nhận diện rõ hơn cơ hội và thách thức của nền kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” vào ngày 17/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề. Nội dung, chủ đề của các Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, các cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, các địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Để góp phần cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng; đồng thời, cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Diễn đàn sẽ thảo luận, làm rõ về đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Diễn đàn có quy mô bao gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức vào buổi chiều cùng ngày; 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào buổi sáng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư.

Phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và một lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cần đảm bảo yêu cầu độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA cũng như việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

M.Loan