Xã hội hóa, giải pháp hiệu quả phòng chống Lao

Lan Hương 12/12/2022 17:00

Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3-4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Đặc biệt ở vùng DTTS, gánh nặng bệnh lao càng lớn hơn khi đa phần người dân đều là hộ nghèo, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn.

Hiệu quả từ dự án

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo thống kê có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3-4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Đặc biệt ở vùng DTTS, gánh nặng bệnh lao càng lớn hơn khi đa phần người dân đều là hộ nghèo, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn.

Đề cập đến thực trạng mắc bệnh Lao tại Gia Lai, Bs Mai Minh Hiền, Giám đốc BV Lao và bệnh Phổi Gia Lai cho biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai chỉ phát hiện bệnh lao các thể khoảng từ 45-50/100.000 dân. Xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm. Công tác phòng chống Lao của địa phương dù đã được quan tâm tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, trong những năm qua chương trình Chống lao Quốc gia đã rất nỗ lực và công tác chống lao và thu được những thành tựu nhất định.

Đặc biệt, sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu thông qua BV Phổi Trung ương, Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) là đơn vị chủ trì dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó có tỉnh Gia Lai trong phòng, chống bệnh lao.

Chia sẻ về dự án, BS Mai Minh Hiền cho biết, để chủ động phát hiện Lao thì giải pháp sàng lọc Lao 2X (Xquang – Xpert) sẽ cho kết quả chuẩn đoán và sàng lọc bệnh lao, lao tiềm thuận tiện và chính xác nhất. Tuy nhiên với nguồn lực hạn chế, hơn nữa đồng bào DTTS ở Giai Lai điều kiện kinh tế còn khó khăn do đó, việc sàng lọc chủ động không hề dễ dàng. Vì vậy, khi triển khai dự án việc sàng lọc chủ động đặc biệt với xe chụp lưu động về tận địa phương cùng với đó là đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế đến từng nhà, rà từng người mời đến Nhà văn hóa hoặc Trạm y tế xã để khám mà không cần phải đi xa khiến cho công tác sàng lọc chủ động thuận lợi hơn bao giờ hết.

Cần sự đồng hành từ xã hội

Trên thực tế đã có nhiều người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án này, tiêu biểu như anh Kpă Chức, dân tộc Gia Rai ở buôn Tân Túc, xã IaMlah, huyện Krông Pa. Anh Kpă Chức cho biết, vào khoảng từ tháng 3 anh có biểu hiện ho mệt mỏi mỗi khi lên rẫy trồng mì, tuy nhiên anh không đi khám bệnh. Đến khi bệnh nặng, ho ra máu anh vẫn không đi khám vì gia đình không có điều kiện, không có thẻ BHYT.

“Sau nhiều nỗ lực tôi mới thoát nghèo nên nghe tin mình bị mắc Lao lo lắm. Vợ mất sớm mình tôi lo cho 3 đứa con,nhưng thật may tôi phát hiện Lao sớm nên chỉ phải tuân thủ điều trị 6 tháng là khỏi. Giờ mới đi được 2/3 chặng đường nhưng tôi đã khỏe và có thể lên rẫy làm”, anh Kpă Chức chia sẻ.

Tương tự, ông A Lê Biếp, 65 tuổi ở buôn Dù, xã IaMlah, huyện Krông Pa. cũng thấy ho, khó thở, mệt mỏi nhưng cũng không đi khám. Nhờ có việc triển khai dự án anh đã được khám sàng lọc phát hiện mắc bệnh Lao được chuyển lên bệnh viện Phổi tỉnh điều trị. “ Rất may tôi phát hiện kịp thời nên điều trị Lao chỉ mất 3 tháng. Chi phí điều trị đã có thẻ BHYT lo, gia đình chỉ phải lo chi phí đi lại và ăn uống. Trong buôn cũng đã có người mất vì bệnh Lao vì phát hiện muộn”, ông A Lê Biếp giãi bày.

Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm, Gia Lai phát hiện khoảng 670 bệnh nhân lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi; tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trung bình là 44/100.000 dân. Dù đạt được kết quả này song theo BS Mai Minh Hiền mặc dù đạt được những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lao, song công tác điều trị lao hiện vẫn đang là nút thắt cần được tháo gỡ.

Dự án phòng chống lao dựa vào cộng đồng tại Gia Lai được thực hiện tại 22 xã thuộc 3 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông. Trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện; Huyện Chư Prông thực hiện tại 4 xã: Ia Puch, Ia Mơ, Ia Pior, Ia Lâu và Huyện Đức Cơ gồm 4 xã: Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Kriêng, Ia Dom

Thông thường đối với bệnh nhân lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị, tuy nhiên nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, ngỡ mình khỏi nên không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn…Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc. Do đó, để đạt mục tiêu vào năm 2030 đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền cơ sở đến công tác chống lao, xã hội hóa công tác chống lao...

Lan Hương