Nghi Sơn (Thanh Hóa): Dự án phát triển kinh tế trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ

PV 12/12/2022 15:00

Là một trong những dự án BT cuối cùng tiếp tục triển khai sau khi điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Tuyến đường Hải Hòa – Bình Minh, thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) được ký hợp đồng từ đầu tháng 7/2021. Đây là một trong những dự án kinh tế trọng điểm của xứ Thanh nói chung và thị xã Nghi Sơn nói riêng… đang đối diện với khó khăn chồng chất.

Trước đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh, thị xã Nghi Sơn theo hình thức PPP (hợp đồng BT) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo Quyết định số 925/QĐ-UBND ngày 19/3/2021.

Dự án được thực hiện tại các phường Hải Hòa, Bình Minh, Nguyên Bình, Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 539 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nền, mặt đường, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước tuyến đường với tổng chiều dài 5,855km đạt tiêu chuẩn đường liên khu vực theo tiêu chuẩn TCXDVN 104:2007; vận tốc thiết kế 60km/h; chiều rộng nền đường 34m. Công trình thoát nước bằng BTCT và BTXM; tải trọng thiết kế H30-XB80 (đối với 3 cống), HL93 và tải trọng người đi bộ 3x10-3 Mpa (đối với cầu)…

Dự án được thực hiện bởi Liên danh Công ty CP xây dựng VNC - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18E&C và CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà - Công ty CP624 Hà Nội và doanh nghiệp Dự án là Công ty cổ phần BT Hải Hòa – Bình Minh. Thời gian thực hiện không quá 2 năm dự kiến, khởi công năm 2021, hoàn thành dự án trong năm 2022…

Tại thời điểm khi dự án được triển khai, chính quyền và người dân tại thị xã Nghi Sơn và các phường có tuyến đường chạy qua đã rất phấn khởi và đặt nhiều sự kỳ vọng. Đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các địa phương ven biển còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế với trung tâm thị xã và tuyến giao thông là QL 1A. Từ đó, người dân vùng bãi ngang sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế khi giao thông thông suốt. Đặc biệt, là ngành du lịch nghỉ dưỡng ven biển của Hải Hòa càng có điều kiện để thu hút khách du lịch.

Đây là dự án góp phần kết nối khu vực ven biển, khai thác tối đa lợi thế của địa phương nói riêng và khu vực nói chung như lời của ông Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận định: Dự án có ý nghĩa đặc biệt với địa phương. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tại các xã, phường ven biển của thị xã Nghi Sơn. Đồng thời, góp phần mở ra các cơ hội mới; thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ,… khai thác tối đa lợi thế từ Khu kinh tế Nghi Sơn mang lại…

Tuy nhiên, về khách quan có thể thấy, vào đầu năm 2021, Lễ khởi công Dự án được Công ty tổ chức khá quy mô giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, dự án phải đối diện với nhiều khó khăn như: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn nguyên liệu san lấp v,v… Đặc biệt việc thiếu nguồn nguyên vật liệu san lấp vẫn là một trong những nguyên nhân chính. Điều này đã được thể hiện trong báo cáo của đơn vị chủ đầu tư: Việc thiếu nguyên liệu san lấp trong thời gian dài đã khiến cho hàng trăm máy móc, thiết bị cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của công ty được điều động về để triển khai đã phải “ngồi chơi, xơi nước”.

Song song với đó là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc, định giá đất. Mặc dù phía chính quyền địa phương, Ban quản lý KKT Nghi Sơn cùng với Công ty đã vào cuộc khá quyết liệt nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng sạch 100%.…

Đến thời điểm hiện tại, ông Đào Duy Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần BT Hải Hòa - Bình Minh đại diện đơn vị chủ đầu tư khẳng định: Dự án bị rơi tình trạng chậm tiến độ là điều khó thể tránh khỏi.

Cũng theo ông Hoàn, nguyên nhân chính yêu của việc chậm tiến độ là đơn vị phải đối diện với dịch bệnh Covid19. Nhất là trong thời điểm triển khai dự án rơi vào đúng lúc cao trào của dịch bệnh diễn ra tại địa phương. Thời điểm đó, rào cản là phải thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh dãn cách xã hội trong suốt thời gian dài, dẫn đến việc các đơn vị phối hợp triển khai dự án không thể tổ chức họp dân để công bố các chủ trương chính sách giải phóng mặt bằng,… Đây là một trong những điều kiện bất khả kháng, làm chậm tiến độ triển khai dự án, gây thất thiệt cho chủ đầu tư.

Mặt khác, khi chuẩn bị cho dự án, trước đó đơn vị cũng đã gửi tờ trình đề xuất xin cấp mỏ từ năm 2018. Nhưng hiện nay, theo quy định của nhà nước thì chỉ cấp mới mỏ vật liệu san lấp, xây dựng đối với các dự án trọng điểm và sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước, điển hình như Dự án Cao tốc Bắc – Nam”. Vì vướng quy định này mà nguồn cấp vật liệu cho dự án BT Hải Hòa – Bình Minh rất khó khăn để đảm bảo thi công đúng tiến độ… trong khi nhu cầu phục vụ dự án cần số lượng rất lớn - ông Hoàn thông tin!

Công việc thì đình trệ, hàng trăm công nhân “ngồi chơi xơi nước”, máy móc thiết bị “đắp chiếu”,… chúng tôi thiệt đơn thiệt kép!- ông Hoàn nói.

Việc chậm tiến độ hoàn toàn khách quan và trái ngược với những nỗ lực của đơn vị chủ đầu tư. Rất mong UBND các cấp, cùng các bộ ngành trung ương liên quan có những quan tâm đúng mức, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.

Đây giải pháp duy nhất giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

PV