Khơi dậy sức mạnh nội sinh
Theo PGS.TS Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, các chuẩn mực con người gắn với giữ gìn phát triển hệ giá trị con người trong thời kỳ mới), con người là một thứ “tài nguyên rất đặc biệt", càng khai thác càng phát triển, nảy sinh. Phát huy giá trị con người Việt Nam chính là nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nước.
Gia đình lành mạnh, cộng đồng sẽ lành mạnh
PV: Thưa ông, Đại hội XIII của Đảng xác định, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Vậy việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần “hội tụ” những yếu tố nào?
PGS.TS LƯƠNG ĐÌNH HẢI: Việc xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị và chuẩn mực con người ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới cả trên phương diện quốc tế lẫn trong nước. Nền kinh tế thị trường thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều đặc điểm, tính chất khác trước, trên nền tảng công nghiệp và các công nghệ mới. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng các lực lượng sản xuất toàn cầu, các quan hệ xã hội từ cấp vĩ mô toàn cầu đến cấp vi mô trong từng gia đình.
Là các nước đang phát triển, cả về phương diện cơ hội lẫn thách thức, những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia và toàn nhân loại vừa đang có thêm những nội dung và biểu hiện mới. Tất cả những quá trình đó đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển con người và xã hội ở nước ta.
Dịch bệnh và các nhân tố khác có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhưng không thể thay đổi đà phát triển của nó. Thế và lực của nước ta vững mạnh chưa từng có, nhưng cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Hơn 35 năm vừa qua phát triển xã hội, văn hóa, con người cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các giá trị quốc gia, văn hóa gia đình, con người, cộng đồng tiếp tục được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Các giá trị văn hóa và con người trong lĩnh vực chính trị và kinh tế được coi trọng và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Củng cố, phát huy và phát triển các giá trị con người Việt Nam trong thực tiễn.
Nhiều vấn đề nóng của đất nước, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và chính bản thân con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền với những vấn đề về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng. Xã hội Việt Nam vẫn đang tiếp tục các quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, từ xã hội khép kín, “đóng cửa” sang “mở”, chủ động và tích cực hội nhập. Trong bối cảnh đó đòi hỏi xây dựng, phát huy, phát triển các giá trị con người là rất cần thiết, rất có ý nghĩa trên nhiều mặt, nhiều phương diện.
Mỗi người là một tế bào trong xã hội, một thành viên chủ thể trong xã hội. Nếu thành viên đó, chủ thể đó mà tốt lành mạnh thì gia đình cũng sẽ lành mạnh; gia đình lành mạnh thì cộng đồng cũng sẽ lành mạnh; cộng đồng lành mạnh thì văn hóa cũng sẽ tốt đẹp; và văn hóa tốt đẹp thì quốc gia sẽ phồn thịnh, phát triển. Tôi lưu ý rằng phát triển không chỉ trên phương diện vật chất mà cả tinh thần, và đời sống kinh tế.
Các hệ giá trị Việt Nam đã được nghiên cứu qua nhiều thập kỷ. Việc đưa ra các hệ giá trị ở thời điểm này theo ông đã “chín” hay cần nghiên cứu sâu thêm?
- Hệ giá trị Việt Nam gồm các hệ giá trị khác nhau, tồn tại từ lâu trong lịch sử của dân tộc, liên tục thay đổi theo bối cảnh và điều kiện.
Điều đó không có nghĩa chúng ta nghiên cứu một lần và thời điểm này đưa ra bảng hệ giá trị hoàn chỉnh để sau này có thể áp dụng mà nó liên tục thay đổi. Cho nên chúng ta phải tiếp tục bồi đắp, nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung để cho hệ giá trị đó càng ngày càng có sức lan tỏa. Vì thế việc thống nhất trong giai đoạn này hết sức cần thiết để chuẩn mực các hệ giá trị có vai trò cực kỳ quan trọng, tạo nên sự ổn định trong xã hội. Nó là định hướng cho các suy nghĩ tư duy trong hành động của mỗi cá nhân con người của cả cộng đồng, của quốc gia dân tộc.
Chính vì thế, chúng ta phải có một bảng hệ giá trị có tính chất tương ứng ở thời điểm hiện nay. Còn việc nghiên cứu vẫn tiếp tục trong thời gian tới, và cần nghiên cứu sâu hơn. Đã có rất nhiều nghiên cứu của các giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trần Ngọc Thêm… về bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu những giá trị chung của nhân loại, của các cộng đồng quốc gia dân tộc khác để đưa vào hệ giá trị Việt Nam. Ví dụ Cụ Hồ đã vận dụng “trung với vua, hiếu lễ với cha mẹ”, còn đến thời đại hiện nay là trung với nước, hiếu với dân. Nghĩa là chúng ta cần có những thay đổi để phù hợp với bối cảnh điều kiện hiện nay.
Yêu nước mới có thể tự cường
Vậy theo ông trong thời kỳ mới thì hệ giá trị con người cần xây dựng và bồi đắp những phẩm chất nào để phù hợp với thời kỳ mới?
- Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử của mình đến nay, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị.
Hệ giá trị Việt Nam gồm các hệ giá trị khác nhau, tồn tại từ lâu trong lịch sử của dân tộc, liên tục thay đổi theo bối cảnh và điều kiện. Điều đó không có nghĩa chúng ta nghiên cứu một lần và thời điểm này đưa ra bảng hệ giá trị hoàn chỉnh để sau này có thể áp dụng mà nó liên tục thay đổi. Cho nên chúng ta phải tiếp tục bồi đắp, nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung để cho hệ giá trị đó càng ngày càng có sức lan tỏa. Vì thế việc thống nhất trong giai đoạn này hết sức cần thiết để chuẩn mực các hệ giá trị có vai trò cực kỳ quan trọng, tạo nên sự ổn định trong xã hội. Nó là định hướng cho các suy nghĩ tư duy trong hành động của mỗi cá nhân con người của cả cộng đồng, của quốc gia dân tộc.
Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác.
Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác. Thực ra các giá trị căn bản trong hệ giá trị con người Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua là những giá trị cốt lõi của hệ giá trị con người Việt Nam.
Tất cả các hệ giá trị đó đã tồn tại hàng nghìn năm nay trong lịch sử. Tổng Bí thư đã tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận đó của nghìn năm lịch sử và đặc biệt là 35 năm đổi mới của Đảng ta để rút ra 8 hệ giá trị cô đọng đó. Ngoài ra, hệ giá trị Việt Nam có nhiều hệ giá trị khác nhưng tôi cho rằng yêu nước là cốt lõi của tất cả các hệ giá trị khác như giá trị văn hoá, giá trị gia đình, giá trị cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”. Có yêu nước mới có đoàn kết. Có yêu nước mới có thể tự cường. Có yêu nước mới có thể sáng tạo được. Vấn đề là hiện nay với những hệ giá trị cốt lõi đó chúng ta cần cụ thể hóa thành những chuẩn mực.
Tôi nói ví dụ như ở xã hội phong kiến có những chuẩn mực hệ giá trị con người như “người đại trượng phu”, “người quân tử”, hay “người tiểu nhân” đều có thang bậc chuẩn cho mọi kiểu. Tức là có các chuẩn mực theo từng lớp người, từng thế hệ trước đây vẫn còn phát huy tác dụng nhưng trong bối cảnh hiện nay cần phải đổi mới, thay đổi nội dung đó, bổ sung thêm cho nó và bồi đắp thêm cho nó để nó phát huy phát triển một cách tốt nhất. Việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho các từng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau, trên cơ sở phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây.
Phát huy giá trị con người Việt Nam chính là nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nước, bởi con người luôn được coi là nhân tố quyết định, do đó chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới cần những yếu tố nào, thưa ông?
- Các hệ giá trị Việt Nam trong đó có hệ giá trị con người là một thứ “tài nguyên rất đặc biệt” có thể khai thác được khắp mọi nơi, mọi thế hệ người Việt Nam ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là thứ tài nguyên không bao giờ cạn kiệt. Càng khai thác càng phát triển, nảy sinh, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác càng khai thác thì càng cạn kiệt. Nguồn lực giá trị từ nguồn lực “nội sinh” này có thể khai thác ở tất cả các thế hệ, các vùng miền khác nhau. Đó là nguồn lực cực kỳ quý báu mà thời gian vừa qua chúng ta chưa chú ý khai thác sử dụng.
Như tôi vừa nhấn mạnh, đây chính là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, càng được phát huy, thì càng trở nên phát triển, nảy sinh, phồn thịnh.
Các hệ giá trị Việt Nam như là những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Các thế hệ ông, cha, trong lịch sử đã khai thác, phát huy và phát triển rất hiệu quả các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng. Chính vì thế các thế hệ, các chủ thể, cả hôm nay và ngày mai cần biết trân trọng, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh đặc biệt, vô giá này. Nhưng nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.
Không tiếp thu các hệ giá trị sẽ không thể hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế vậy theo ông làm sao để các hệ giá trị vừa phù hợp với quá trình hội nhập nhưng chúng ta vẫn phát huy được các hệ giá trị Việt Nam ở thời điểm hiện nay?
- Hiện nay cùng với các hệ giá trị Việt Nam còn có các hệ giá trị “du nhập” từ bên ngoài, vì vậy chúng ta phải làm sao vừa kế thừa các hệ giá trị của chúng ta, nhưng hệ giá trị đó trong quá trình thay đổi của xã hội luôn phải vận động, phát triển. Những nội dung yếu tố trong hệ giá trị đó nếu không phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện tại sẽ bị loại bỏ dần, và phải tiếp thu, bổ sung các hệ giá trị mới trong bối cảnh mới. Việc tiếp thu các hệ giá trị của các dân tộc khác có sự tiến bộ, văn minh là điều tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bởi nếu chúng ta không tiếp thu thì chúng ta sẽ không hội nhập. Nếu không tiếp thu chúng ta sẽ không phát triển được. Nếu không tiếp thu chúng ta sẽ không có sự phát triển hệ giá trị và không có được giải pháp để xây dựng các hệ giá trị làm cho con người Việt Nam phát triển, văn hóa Việt Nam phát triển, quốc gia Việt Nam phát triển. Cho nên việc tiếp thu các giá trị quốc tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhưng quan trọng là việc chọn lọc giá trị nhân loại để đưa vào trong hệ giá trị của chúng ta.
Thưa ông, gia đình bị tác động bởi nhiều yếu tố trong xã hội, trong khi gia đình là tế bào của xã hội, vậy làm sao để “giữ chuẩn” trong gia đình và qua đó phát huy hệ giá trị gia đình cũng như chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới bởi hiện nay các thành viên trong gia đình ngày càng có sự xa cách?
- Tôi có góc nhìn hơi khác. Văn hóa nói chung, và các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị gia đình nói riêng ở giai đoạn hiện nay đang có sự “khủng hoảng” rõ ràng. Nhưng tôi dùng từ “khủng hoảng” theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất theo nghĩa xấu là lệch chuẩn, làm lệch các hệ giá trị của mình. Sự xung đột theo nghĩa tiêu cực này gây cản trở sự phát triển. Nhưng nghĩa thứ hai là “khủng hoảng” có sự xung đột giữa các giá trị với nhau, giữa giá trị du nhập bên ngoài với giá trị nội sinh ở bên trong. Khi du nhập có sự xung đột và sự xung đột đó là đương nhiên, nó là xung đột vì sự phát triển.
Trong các hệ giá trị thì hệ giá trị gia đình là một trong những hệ giá trị cốt lõi nhưng sự “khủng hoảng” trong gia đình thực ra có cả khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng các hiện tượng lối sống bên ngoài xã hội. Khủng hoảng đó trong gia đình theo tôi bắt nguồn từ khủng hoảng hệ giá trị văn hóa. Vì gia đình được cấu thành từ các thành viên trong gia đình, từ mỗi con người. Hệ giá trị con người là cốt lõi, là trục, là “sợi chỉ đỏ” của hệ giá trị gia đình, của hệ giá trị văn hóa, của hệ giá trị quốc gia. Và con người cũng là chủ thể của tất cả hệ giá trị đó. Việc sử dụng, khai thác nó như thế nào trước hết phụ thuộc vào bản thân mỗi con người. Chính vì thế để xây dựng phát huy hệ giá trị gia đình trước hết phải xuất phát từ mỗi con người trong gia đình, mỗi cộng đồng trong xã hội.
Cần nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người
Phát huy giá trị nội sinh trong đó con người là nền tảng, là trung tâm và hưởng thụ vậy làm sao phát huy vai trò yếu tố con người, khơi dậy lòng yêu nước ở thời điểm hiện nay, thưa ông?
- Phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người đã được nêu ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XII và đạt được những thành tựu nổi bật.
Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết rất quan trọng, rất kịp thời, rất sát, rất đúng, rất trúng vào thực tiễn về nhiều vấn đề của đời sống xã hội trong các thời kỳ khác nhau, từ khi đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Trong giai đoạn đổi mới, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người. Nhưng trong thực tế, chủ trương đó vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người, nhân lực là khâu quyết định. Đảng chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, dù tất cả các nghị quyết đều có nói về con người.
Do đó đã đến lúc cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản không thể thiếu.
Với nghị quyết đó điểm nghẽn và những bất cập về nguồn lực con người, về nhân lực, cũng như đột phá về nguồn nhân lực trong phát triển đất nước sẽ được giải quyết ở tầm chiến lược. Động lực, nội dung cốt lõi của xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn hiện nay chính là xác lập, khơi dậy và phát huy các hệ giá trị con người, gia đình, cộng đồng, văn hóa, quốc gia trong mỗi con người, mỗi chủ thể xã hội khác nhau. Mô hình và chiến lược, phương thức, giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước từ nay cho đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phải gắn kết thực sự với chiến lược xây dựng và phát triển con người với những nội dung về các hệ giá trị Việt, nhất là hệ giá trị con người Việt Nam trong nghị quyết đó.
Sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước không thể thành công nếu không có những con người, và nhân lực tương ứng. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, hệ giá trị. Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần kíp, rất quan trọng, rất có ý nghĩa, cần được ra đời sớm, định hướng cho tất cả các quá trình chuyển đổi, từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng con người và đột phá nguồn nhân lực, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.
Người Việt Nam hiện nay có nhiều mặt tốt trên các phương diện nhưng cũng có mặt cần khắc phục. Do đó cần có nghị quyết về xây dựng và phát triển con người trong đó nêu rõ các giải pháp xây dựng con người như: Giáo dục, chế độ đãi ngộ, các chính sách trọng dụng và sử dụng con người, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời cần có thứ để ngăn chặn những thói hư tật xấu.
Giáo dục và trọng dụng người tài là hai yếu tố quan trọng để tạo nên chuẩn mực con người Việt Nam. Đó là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng đây là vấn đề rất cần sự đột phá, thưa ông?
- Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác. Đây là vấn đề có nhiều nội dung gắn kết trong sự phát huy đồng thời các hệ giá trị. Ví dụ con người gắn với giá trị quốc gia, gắn với hệ giá trị cộng đồng, gắn với giá trị gia đình, giá trị văn hóa. Hay như phát huy yêu nước phải gắn với giá trị ấm no, tự do, hạnh phúc…
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong các hệ giá trị thì hệ giá trị gia đình là một trong những hệ giá trị cốt lõi nhưng sự “khủng hoảng” trong gia đình thực ra có cả khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng các hiện tượng lối sống bên ngoài xã hội. Khủng hoảng đó trong gia đình theo tôi bắt nguồn từ khủng hoảng hệ giá trị văn hóa. Vì gia đình được cấu thành từ các thành viên trong gia đình, từ mỗi con người. Hệ giá trị con người là cốt lõi, là trục, là “sợi chỉ đỏ” của hệ giá trị gia đình, của hệ giá trị văn hóa, của hệ giá trị quốc gia. Và con người cũng là chủ thể của tất cả hệ giá trị đó. Việc sử dụng, khai thác nó như thế nào trước hết phụ thuộc vào bản thân mỗi con người. Chính vì thế để xây dựng phát huy hệ giá trị gia đình trước hết phải xuất phát từ mỗi con người trong gia đình, mỗi cộng đồng trong xã hội.