Khen thưởng không phải là món quà…
Năm 2022 sắp đi qua, năm mới 2023 đã cận kề, cùng đó là Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm các cấp, các ngành, địa phương tiến hành tổng kết cuối năm, trong đó có thi đua khen thưởng. Thời gian qua, công tác khen thưởng nói riêng và thi đua - khen thưởng nói chung đã có tiến bộ, nhưng ở nhiều nơi vẫn khá công thức, hình thức, có khi cũng chỉ vì khen thưởng không đúng mà dẫn đến mất đoàn kết.
Theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, dù có nhiều thành tích nhưng công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Đặc biệt tại nhiều nơi, khen thưởng như là một món quà mà chưa thực chất. Có khi còn như một sự ban phát cho người này mà tước đi của người khác.
Ngày 10/12/2020, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo. Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác thi đua - khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua - khen thưởng cũng còn một số hạn chế, nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế.
Từ đó, Tổng Bí thư cho rằng trong xét thi đua - khen thưởng thì trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Cùng với ban thi đua - khen thưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bảo đảm khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất.
“Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tránh hình thức” -Tổng Bí thư nói.
Khen thưởng đúng người, đúng việc cũng như kỷ luật đúng người, đúng việc được coi như hai mặt của một vấn đề. Riêng về khen thưởng, cần tránh thái độ ban ơn, ban phát hoặc trao thưởng cho “người của mình” mà gạt những người xứng đáng khác sang một bên. Cách hành xử ấy dẫn đến việc không công bằng trong tập thể, khiến các phong trào thi đua mất sức sống. Đáng ngại hơn là việc bầu chọn danh hiệu thi đua từ cơ sở không đúng, cứ giới thiệu dần lên các cấp trên, cuối cùng là “điển hình giả” không có giá trị nêu gương, nhân rộng phong trào thi đua, không lan tỏa năng lượng tích cực trong cơ quan, đơn vị.
Một việc nữa trong xét tặng danh hiệu thi đua - khen thưởng là rất cần lưu ý đến người lao động, không thể coi các danh hiệu, các phần thưởng như một đặc quyền nghiễm nhiên của lãnh đạo. Nếu cứ xét danh hiệu thi đua “từ trên xuống dưới” thì người lao động sẽ hết sức thiệt thòi. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, do danh hiệu thi đua phần lớn rơi vào cán bộ có chức có quyền trong đơn vị, nên xét thi đua đã trở thành hình thức, chỉ là việc hợp thức hóa “công lao” cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Sau khi “điểm danh” khắp lượt cán bộ từ cấp phòng ban trở lên, còn lại suất nào mới tính đến người lao động.
Bất cập ấy không phải không được nhìn thấy, chỉ ra nhưng đáng tiếc là rất chậm được khắc phục. Vì thế, bên cạnh việc cấp trên có hướng dẫn bình xét thi đua rõ ràng, thì quan trọng hơn vẫn là sự tự giác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng công tác thi đua - khen thưởng, Người từng nói "Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống"; và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".