Giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cùng đoàn công tác đã đến giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo tại một số địa bàn gồm: Huyện Mê Linh, Thạch Thất và quận Cầu Giấy.
Tại buổi giám sát trên địa bàn huyện Mê Linh, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Phòng Văn hóa và thông tin huyện Mê Linh cho biết, toàn huyện có 161 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, có một di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt như Đền Hai Bà Trưng; 25 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia; 56 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, còn 79 di tích chưa xếp hạng. Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện tổ chức tu bổ 13 di tích xuống cấp với kinh phí 85,3 tỷ đồng; rà soát, đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo 51 di tích đã xuống cấp giai 2021 -2025 và đã được thành phố phê duyệt 26 di tích với tổng kinh phí 513,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện còn rất nhiều di tích đã xuống cấp cần được tu bổ cấp thiết trong khi nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách còn hạn chế; việc huy động nguồn vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Do đó, ông Thành đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo đối với các di tích đã xuống cấp nhằm phát huy giá trị các di tích kết hợp phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Mê Linh. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích đối với những người trực tiếp trông coi di tích và ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình bổ sung các hiện vật, đồ thờ tự công đức vào di tích.
Còn tại huyện Thạch Thất, đại diện Phòng Văn hóa và thông tin huyện cho hay, huyện có 209 di tích. Đến hết tháng 11/2022, có 101 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó, chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt; 34 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh, thành phố; đang lưu giữ 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 18 di sản được ưu tiên bảo vệ. 100% di tích được xếp hạng đã được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ; nhiều di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Giai đoạn 2016-2020, huyện có 41 di tích được tu bổ tôn tạo, tu sửa cấp thiết với tổng kinh phí 133 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, huyện đang triển khai 29 dự án tu bổ tôn tạo cho 29 di tích lịch sử văn hóa với tổng mức nhu cầu vốn trên 925 tỷ đồng. 100% di tích được tu bổ tôn tạo đều có đóng góp bằng kinh phí và ngày công của nhân dân địa phương, tổng kinh phí xã hội hóa đạt trên 50 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND xã triển khai 10 dự án tu bổ tôn tạo chùa, với tổng vốn khái toán 414 tỷ đồng.
Còn tại quận Cầu Giấy, ông Bùi Minh Cường - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin quận cho biết, toàn quận có 50 di tích được kiểm kê trong danh mục quản lý, 38 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và thành phố; 19 lễ hội truyền thống, trong đó 16 lễ hội được UBND thành phố công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2005 đến 2021, UBND quận tổ chức tu bổ 41 lượt di tích với kinh phí gần 400 tỷ đồng; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật tại 28/38 di tích được xếp hạng phục vụ quản lý và bảo quản đồ thờ, hiện vật tại di tích; phối hợp đề xuất và lập hồ sơ 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp thành phố. UBND quận cũng chỉ đạo thực hiện tốt phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích; hàng năm ban hành kế hoạch công tác quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội và tham mưu Quận ủy, HĐND quận chỉ đạo về quản lý di sản văn hóa trên địa bàn.
Từ đó, UBND các phường nghiêm túc xây dựng văn bản chỉ đạo Ban quản lý di tích các phường, Tiểu Ban quản lý các di tích tổ chức thực hiện quản lý theo thẩm quyền; thực hiện tốt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực quản lý văn hóa, quản lý di tích, giới thiệu lịch sử di tích, nguồn gốc lễ hội... Nhờ đó, 100% cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lắp bảng giới thiệu nội quy của di tích để nhân dân thực hiện. Quận Cầu Giấy cũng đã xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa, điểm đến an toàn hấp dẫn” tại 7 di tích.
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Thị Kim Dung đánh giá cao cố gắng của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại các đơn vị được giám sát trong công tác quản lý di sản của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Các địa phương đã quan tâm thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, nỗ lực kêu gọi xã hội hóa; đồng thời thực hiện tốt hoạt động thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm và đảm bảo an ninh trật tự tại nơi thờ tự.
Bà Dung cũng lưu ý các quận, huyện cần quan tâm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới người dân để nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền vận động để những người có đạo chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác quản lý các cơ sở tôn giáo cần đảm bảo bám sát Luật Di sản và các quy định pháp luật, chú trọng vấn đề an ninh tôn giáo tại các cơ sở. Đặc biệt, huyện cần phát huy tốt hơn vai trò của Ban quản lý di tích ở các xã, thị trấn, để đưa công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn ngày càng đi vào quy củ.