Rau xanh tăng giá chóng mặt
Dù chưa phải cao điểm nhưng trong 2 tuần gần đây giá rau xanh tại Hà Nội đã tăng chóng mặt, thậm chí nhiều loại rau tăng gấp 2 lần.
Rau đắt ngang thịt
Đây là chia sẻ của các bà nội chợ trước thực trạng giá rau tăng chóng mặt những ngày qua. Khảo sát các chợ tại Hà Nội, giá rau xanh đã leo lên vài giá. Chị Nguyễn Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dù chưa cận Tết nhưng giá rau xanh bất ngờ tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 2 lần so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái. Cụ thể, giá các loại rau cải xanh như cải ngọt, cải thảo, cải cúc, cải thìa... tăng gấp đôi từ 20.000 đồng - 40.000 đồng/kg; su hào, bắp cải tăng từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/củ; rau muống tăng từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/mớ ; hành lá tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/kg; cà chua tăng từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thịt lợn thì chững hơn, chỉ neo ở mức từ 100.000 – 130.000 đồng tùy loại.
“Chưa năm nào, kể cả đợt dịch khan hiếm hàng nhưng rau xanh cũng không đắt như thời điểm này. Giờ đi chợ tiền mua rau cho bữa ăn của cả gia đình ngang với chi phí mua thịt lợn” - chị Hằng nói.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như Chợ Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, giá rau xanh đang tăng giá theo ngày. Việc tăng giá rau xanh không chỉ khiến các bà nội chợ “đau đầu” khi lựa chọn thực phẩm mà còn khiến nhiều tiểu thương phải khóc ròng vì giá cao nên lượng hàng tiêu thụ cũng giảm.
“Thường thì vào mùa rét, rau là mặt hàng bán rất chạy vì nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng giá rau tăng chóng mặt nên các gia đình cũng đổi xu hướng ẩm thực khiến lượng rau tiêu thụ chậm. Ngày thường mỗi ngày tôi bán từ 2 - 3 tạ rau các loại nhưng nay nhập 1 tạ mà bán lay lắt cả ngày không hết” - chị Nguyễn Thị Hậu, tiểu thương ở chợ Trung Kính cho biết.
Bên cạnh thực phẩm tươi, giá hàng tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán cũng bắt đầu tăng từ 5-20%: Giá tôm, mực, cá khô... tăng từ 5-10%; thực phẩm đóng chai như nước mắm, nước tương, dầu hào, sa tế... tăng từ 3.000-10.000 đồng/sản phẩm; mỳ tôm, miến, phở, bún khô... cũng tăng từ 10-15%/thùng; riêng giá dầu ăn giảm 3.000 đồng/lít, tuy nhiên mức giảm này không đáng kể so với mức tăng trước đó, từ 38.000 đồng lên 50.000 đồng/lít.
Liệu giá rau có hạ nhiệt?
Lý giải về diễn biến thị trường năm nay, giá rau xanh tăng đột biến những ngày chính vụ đông xuân, ông Lê Văn Nghị, một nông dân ở xã Tráng Việt, Mê Linh (được xem là “thủ phủ” của rau xanh) cho biết, năm nay diện tích trồng rau xanh của người dân tại xã đều tăng do những tháng trước đó giá rau xanh được giá vì vậy, đa phần người dân trong xã đều mở rộng diện tích gieo trồng. Riêng nhà ông Nghị năm nay diện tích trồng rau các loại lên tới 2 mẫu ( 0,72ha). Tuy nhiên diễn biến thời tiết năm nay thất thường nên rau bị sâu bệnh, cằn không tăng trưởng như mọi năm. Đặc biệt, thời tiết mưa, lạnh khiến thời gian sinh trưởng của các loại rau ăn lá kéo dài thêm 15-20 ngày/lứa. “Với thời tiết cũng như sự tăng trưởng rau như hiện nay, giá rau rất khó có thể hạ nhiệt” – ông Nghị nói.
Ông Đoàn Hà Bằng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá cho biết, toàn xã có 120ha rau các loại (chưa kể diện tích thuê trồng rau ở các xã bên ngoài), nông dân đang nỗ lực chăm sóc vụ rau thứ 2 (trồng cuối tháng 11), dự kiến khoảng giữa tháng 2 năm sau mới có rau bán. Bởi vậy, dự báo từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh tiếp tục khan hiếm và neo giá cao.
Không riêng Hà Nội, ở các tỉnh phụ cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên giá rau xanh cũng tăng đột biến. Dự báo từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh sẽ vẫn tiếp tục khan hiếm và duy trì ở mức giá cao cho đến tháng 2/2023.