Giá vàng hôm nay 13/12: Giá vàng thế giới giảm mạnh

Lê Trang 13/12/2022 10:26

Sáng 13/12, giá vàng trong nước biến động nhẹ trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm mạnh. Biến động giá vàng thế giới phụ thuộc vào cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022.

Giá vàng trong nước

Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng là 66,4 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh có giá mua vào bằng với giá niêm yết tại Hà Nội và Đà Nẵng nhưng giá bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.

Vàng DOJI tại Hà Nội đang có giá mua vào và bán ra lần lượt là 66,25 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng. Giá vàng thương hiệu niêm yết tại TP Hồ Chí Minh là 66,25 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Vàng Vietinbank Gold có giá mua vào ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 67,22 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC có giá mua vào và bán ra lần lượt là 66,25 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng.

Nhìn chung, giá mua vào và bán ra của vàng chênh lệch khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trong nước cập nhật sáng 13/12 như sau:

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới rạng sáng nay giảm mạnh với giá vàng giao ngay giảm 16,1 USD xuống còn 1.781,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.792,3 USD/ounce, giảm 18,4 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Thị trường kim loại quý giảm do chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt vượt mức 105, tăng nhẹ 0,21%.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào chỉ số lạm phát (CPI) tháng 11 của Mỹ sắp được công bố sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao hơn dự kiến.

Số liệu CPI dự kiến sẽ được công bố vào ngày 13/12 (theo giờ Mỹ), các nhà phân tích cảnh báo, lạm phát có thể vẫn tăng cao và không hề giảm tốc độ.

Mặc dù tâm lý đang thay đổi trên thị trường vàng, nhưng vẫn còn một trở ngại cuối cùng mà kim loại quý này cần vượt qua là cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed trong năm 2022. Nhiều ý kiến dự báo, Fed sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách tiền tệ với mức tăng 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro đối với vàng chính là các biểu đồ dot plot của ngân hàng trung ương (biểu đồ thể hiện mức dự kiến của lãi suất điều hành Fed trong tương lai).

Vào tháng 9, Fed đã dự báo lãi suất Quỹ Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 4,6% vào năm 2023. Tuy nhiên, những dự báo đó dự kiến sẽ tiến gần hơn, nếu không muốn nói là cao hơn mức 5%. Nếu lãi suất cuối kỳ thực sự vượt quá 5%, thì giá vàng có thể gặp một số trở ngại mới khi đồng USD tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng hành động tích cực hơn nữa từ Fed sẽ chỉ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái kéo dài sâu hơn và điều này sẽ hỗ trợ vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng cũng làm gia tăng sự quan tâm đối với kim loại quý này.

Ngày 7/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo đã mua 32 tấn vàng trong tháng 11, lần đầu tiên họ tăng dự trữ chính thức kể từ tháng 9/2019.

Một số nhà phân tích cho rằng điều này càng chứng tỏ rằng xu hướng phi USD hóa tiếp tục gia tăng. Trưởng bộ phận chiến lược kim loại Nicky Shiels tại MKS PAMP cho biết: "Khi quá trình phi toàn cầu hóa tăng tốc, các quốc gia không thuộc G10 dự kiến sẽ 'tái hàng hóa hóa' và tăng cường nắm giữ vàng”.

Lê Trang