Nguy cơ sạt lở bờ sông Quảng Huế
Người dân thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rất lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn chảy qua địa phương, đe dọa đến nhà cửa, đất sản xuất của người dân nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, trong đợt mưa lũ vừa qua, bờ sông Quảng Huế sạt lở ăn sâu vào bờ, đe dọa đến nhiều nhà cửa, đất sản xuất của các hộ dân thôn Phú Nghĩa. Bà Phạm Thị Hồng - người dân trú thôn Phú Nghĩa cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế đã lấn vào sát nhà khiến gia đình bà rất lo lắng. “Mỗi năm đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở lại xảy ra, tuy nhiên năm nay sạt lở bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng, người dân chúng tôi lo sợ mất đất, mất nhà” - bà Huế nói.
Ông Ngô Sung (54 tuổi), trú thôn Phú Nghĩa lo lắng: “Hiện tại ngôi nhà của tôi chỉ cách điểm sạt lở bờ sông Quảng Huế hơn 15m. Diện tích đất sản xuất của gia đình tôi cùng một số hộ dân khác trong thôn đã bị sạt lở xuống sông Quảng Huế. Nếu chính quyền địa phương không sớm tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng này thì nguy cơ nhiều ngôi nhà của người dân dọc bờ sông Quảng Huế sẽ bị đổ sập xuống sông”.
Nhiều người dân ở đây cũng bày tỏ lo lắng, bởi chỉ cần vài trận lũ lớn trên thượng nguồn đổ về là 4 ngôi nhà nằm sát điểm sạt lở sẽ bị dòng nước lũ cuốn đi. Do đó, người dân mong muốn các cấp chính quyền cần có biện pháp khắc phục hoặc có phương án xây kè để bảo vệ thôn Phú Nghĩa.
Ngày 12/12, có mặt tại đây chúng tôi ghi nhận, hiện nay bờ sông Quảng Huế, đoạn chảy qua thôn Phú Nghĩa bị sạt lở dài gần 400m, ăn sâu vào trong bờ hàng chục mét, những điểm sạt lở bờ sông đã tạo thành bờ vực hơn 2m hoặc tạo hàm ếch nguy cơ đe dọa đến đất sản xuất, nhà cửa của bà con địa phương. Chính quyền xã Đại An đã giăng dây và lắp biển cảnh báo, cấm người và phương tiện đến những điểm sạt lở này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài ra, các ngành chức năng huyện Đại Lộc cũng đã khảo sát, tìm hướng khắc phục tình trạng sạt lở này.
Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn chảy qua thôn Phú Nghĩa đã diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên trong đợt mưa lũ vừa qua tình trạng bờ sông sạt lở nghiêm trọng hơn. Cụ thể, bờ sông Quảng Huế sạt lở gần 400m, khoảng 2ha đất sản xuất hoa màu của nhân dân bị sạt lở xuống sông. Sạt lở tiếp tục đe dọa đến 15 hộ dân, với 31 nhân khẩu, trong đó có 7 hộ ở khu vực nguy cơ sạt lở cao phải sơ tán đến nơi an toàn.
Trước sự việc này, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, UBND huyện đã làm việc với UBND xã Đại An để tìm hướng khắc phục vấn đề sạt lở. “Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiến hành các biện pháp gia cố tạm bờ sông sạt lở bằng bao cát và đóng cọc tre. Việc kè khẩn cấp này cũng hạn chế được việc sạt lở” - ông Quang nói.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2890/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An. Theo đó, giao Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.
Cùng với đó, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Trước mắt là như vậy, nhưng về lâu dài người dân địa phương mong muốn có kè chống sạt lở ở bờ sông, vì hàng năm địa phương này luôn gánh chịu những trận lũ lớn. Nếu chỉ là biện pháp tạm thời chắc chắn không thể chống lại thiên tai và nguy cơ đất đai, nhà cửa của người dân sẽ cuốn theo cơn lũ dữ.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết “Nếu không có biện pháp gia cố tạm thời thì trong mùa mưa chỉ vài đợt lũ sẽ ảnh hưởng đến đường dân sinh và các nhà dân gần đó. Chính vì vậy huyện phải triển khai biện pháp khẩn cấp để bảo vệ công trình, nhà cửa cho nhân dân. Về lâu dài, UBND huyện đã kiến nghị lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây lại đoạn kè chống sạt lở ở đoạn bờ sông này”.