Liên thông nghề lên đại học: Còn nhiều rào cản
Theo khảo sát được công bố mới đây từ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang gặp rất nhiều khó khăn, rào cản, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác phân luồng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đáng lưu ý là những hạn chế, bất cập trong việc đào tạo liên thông từ cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ đại học (ĐH).
Liên thông trình độ cao đẳng lên đại học gặp khó
Học liên thông vừa là nhu cầu của người học, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay việc liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH đạt tỷ lệ rất thấp. Giai đoạn 2011 - 2020, có trên 130.000 học sinh học liên thông từ trung cấp lên CĐ, chiếm khoảng 10% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp. Khảo sát cho thấy, trong những năm qua việc tổ chức đào tạo liên thông chủ yếu dành cho học sinh trình độ trung cấp liên thông lên trình độ CĐ. Việc đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH chưa phổ biến chủ yếu là do năng lực, trình độ văn hóa đầu vào của người học còn hạn chế và do sự công nhận, chuyển đổi kết quả đào tạo giữa các cơ sở đào tạo ĐH khác nhau khi xét tuyển sinh đào tạo liên thông.
Theo TS Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu, các doanh nghiệp khi tuyển lao động đều ưu tiên nhận sinh viên học liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH hơn là sinh viên tốt nghiệp THPT rồi lên thẳng ĐH. Nguyên nhân là sinh viên học liên thông giỏi kỹ năng nghề, thường đã làm việc thực tế trước khi học liên thông lên ĐH nên họ tự tin, tiếp cận công việc nhanh, được doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Chánh phân tích, GDNN có thiên hướng đào tạo kỹ năng nghề, còn giáo dục đại học (GDĐH) là đào tạo tư duy sáng tạo. Nhân lực đều cần 2 năng lực này để có thể lao động hiệu quả nhất nên không thể quá nghiêng về bên nào. Dẫu thế, việc đào tạo liên thông đang gặp một số trở ngại khi hệ GDNN và GDĐH đang được 2 ngành khác nhau quản lý.
Ths Lương Hoàng Phong (Viện Phát triển nguồn lực - Trường ĐH Trà Vinh) cho hay, trong cùng một đợt tuyển sinh nhưng có rất nhiều người học tốt nghiệp trung cấp, CĐ ở cơ sở đào tạo khác nhau có sự khác nhau về chương trình đào tạo. Có khi cùng trình độ học, cùng ngành học nhưng tên môn học ở các trường lại khác nhau, số tín chỉ cũng khác nhau. Do đó, đề nghị các trường phải có sự so sánh chương trình đào tạo giữa trình độ trung cấp, CĐ với chương trình ĐH cùng ngành để thấy được sự giống và khác nhau về tên gọi, số tín chỉ của các môn học…
Từ thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, hiện GDNN và GDĐH chưa có sự kết hợp với nhau, đường ai nấy làm. Những lỗi kỹ thuật như khác tên môn học, khác số tín chỉ… sẽ không có nếu 2 bậc đào tạo này có sự gắn kết mạnh hơn.
Cần sự liên kết của 2 hệ thống giáo dục
Việc học liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH được quy định tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg, song lâu nay nhiều người có nhu cầu học liên thông từ CĐ lên ĐH vẫn đang loay hoay tìm lối đi.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ LĐTB&XH) phân tích, sinh viên học liên thông đều phải qua một kỳ thi đầu vào và học chung với những lớp học của các sinh viên ĐH vốn có năng lực học tập hơn hẳn lại cùng tiến độ học tập thì hoàn toàn không hợp lý về nguyên tắc sư phạm. Theo ông Vinh, với mỗi nhóm đối tượng khác nhau cần có chiến lược, phương pháp, tiến độ dạy học khác nhau thì mới thành công.
Mới đây Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 trường CĐ thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức. Đây là tín hiệu vui cho người học khi nối tiếp với bậc CĐ, người học có thêm một sự lựa chọn để nâng cao kiến thức, tay nghề ở bậc học cao hơn. Theo ông Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là bước đi thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở GDĐH, GDNN và doanh nghiệp. Qua đó các học viên CĐ có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.