Thói quen lao động thay đổi sau đại dịch

Hà Anh 14/12/2022 07:00

Trước đại dịch, người tiêu dùng đã quen với sự hài lòng về dịch vụ. Nhưng gần 3 năm sau, trong một thế giới khao khát sự bình thường, nhiều người lao động đã chán ngấy và không muốn mọi thứ quay trở lại như cũ. Họ đang yêu cầu lịch trình tốt hơn và thậm chí bỏ việc hoàn toàn.

Nhiều người lao động tại Mỹ không muốn trở lại guồng quay công việc như trước đại dịch. Ảnh: AP

Giảm quy mô kinh doanh

Trước đại dịch, cô Cheryl Woodard thường đưa con gái và bạn của cô bé đi ăn tại một cửa hàng IHOP địa phương ở Laurel, Maryland (Mỹ) sau khi họ tập nhảy. Nhưng bây giờ họ hầu như không đến đó nữa vì cửa hàng đóng cửa quá sớm. “Có một chút bực bội vì mọi việc không còn thuận tiện như trước đây” - cô Woodard, người thường xuyên mua sắm trực tuyến vì ngày càng nhiều các cửa hàng giới hạn giờ hoạt động, cho biết.

Trước đại dịch, người tiêu dùng đã quen với sự hài lòng ngay lập tức: các gói hàng và hàng tạp hóa được giao đến tận nhà trong vòng chưa đầy một giờ, các cửa hàng mở cửa suốt ngày đêm để phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Nhưng gần 3 năm sau, trong một thế giới khao khát sự bình thường, nhiều người lao động đã chán ngấy và không muốn mọi thứ quay trở lại như cũ. Họ đang yêu cầu lịch trình tốt hơn và thậm chí bỏ việc hoàn toàn.

Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể nối lại số giờ hoạt động hoặc dịch vụ như cũ khi họ tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu lao động. Chẳng hạn, Walmart, nhà bán lẻ và tuyển dụng tư nhân lớn nhất nước Mỹ, đã thông báo, họ không có bất kỳ kế hoạch nào để đưa các siêu trung tâm của mình quay trở lại hoạt động 24 giờ/ngày như trước đại dịch.

Chuỗi cửa hàng IHOP cho biết, phần lớn các địa điểm của họ đã quay trở lại thời điểm trước đại dịch và một số thậm chí còn mở rộng kinh doanh. Nhưng có những nơi như địa điểm ở Laurel mà cô Woodward thường lui tới, họ thực sự phải cắt giảm kinh doanh.

Những thay đổi này đang tạo ra sự mất kết nối giữa những khách hàng muốn mua sắm và ăn tối như trước đây trong thời kỳ trước đại dịch và những nhân viên kiệt sức không còn muốn làm việc trong nhiều giờ nữa - lực đẩy chỉ tăng cao trong kỳ mua sắm bận rộn của kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Bà Sadie Cherney, một chủ sở hữu nhượng quyền với ba cửa hàng quần áo Mentor bán lại ở Nam Carolina, cho biết: “Không ai chiến thắng. Thật mất tinh thần khi nhận ra rằng bạn đang thiếu hụt ở cả hai phía, người tiêu dùng và nhân viên”.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, trên tất cả các ngành, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của mỗi công nhân là 34,4 giờ trong tháng 11, không thay đổi so với tháng 2 năm 2020. Nhưng đối với ngành bán lẻ, nó giảm 1,6% xuống còn 30,2 giờ mỗi tuần trong cùng thời kỳ. Theo dữ liệu gần đây nhất, số giờ làm việc tại các nhà hàng đã giảm tương tự trong tháng 10.

Trong khi đó, cuộc khảo sát hàng tháng gần đây nhất của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia đối với 4.200 nhà điều hành nhà hàng được thực hiện vào đầu tháng 8 cho thấy, 60% nhà hàng đã giảm giờ hoạt động vào những ngày họ mở cửa, trong khi 38% đóng cửa vào thời gian mà họ thường mở cửa ở thời điểm trước đại dịch. Thêm một báo cáo do công ty nghiên cứu thực phẩm và đồ uống Dataessential công bố cho thấy, tính đến tháng 10, trung bình các nhà hàng ở Mỹ mở cửa ít hơn khoảng sáu giờ mỗi tuần so với năm 2019 - giảm 7,5%.

Người lao động “đói” việc

Bà Cherney lưu ý rằng, các cửa hàng của bà đã hoạt động trở lại vào khung giờ trước đại dịch từ năm ngoái nhưng với tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng và chi phí lao động cao hơn, bà đã phải vật lộn để duy trì khung giờ như vậy trong năm nay.

Cửa hàng của bà Cherney ở Columbia mở cửa muộn hơn một giờ, nhưng bà đã phải đề nghị tăng lương cho nhân viên của mình. Bà Cherney cho rằng, khách hàng thường phàn nàn về việc phải chờ đợi lâu để được đáp ứng dịch vụ, trong khi nhân viên của bà phải làm việc quá sức vì họ đang làm việc nhiều hơn 20% so với những gì họ muốn. Kết quả cuối cùng: Dòng tiền và khả năng sinh lời đều bị ảnh hưởng.

Ông Mani Bhushan, chủ sở hữu của Taco Ocho, một nhà hàng có 4 cơ sở ở khu vực Dallas, vẫn đang phải vật lộn để thuê đầu bếp tại cơ sở McKinney của mình. Ông cho biết, nhiều nhân viên không đủ khả năng sống ở vùng ngoại ô cao cấp này và phải di chuyển từ nơi khác đến. Vài lần một tuần, ông phải đóng cửa địa điểm sớm - điều mà ông chưa bao giờ phải làm trong 40 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, ngay cả khi ông Bhushan có thể duy trì giờ hoạt động bình thường, ông vẫn phải cắt các đơn đặt hàng trực tuyến sớm hơn trong ngày và dịch vụ không ngang bằng tại các địa điểm khác của ông. “Tôi là người cầu toàn. Tôi không hài lòng. Nhưng tôi không thể thay đổi nó ngay bây giờ” – ông Bhushan nói.

Dự báo, tình trạng thiếu nhân công sẽ tiếp tục trầm trọng trong năm ngay cả khi một số công ty công nghệ lớn đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng băng việc tuyển dụng. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế đã tạo thêm 263.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7% trong tháng 11, gần mức thấp nhất trong 53 năm qua. Và trong khi cơ hội việc làm của Mỹ vào tháng 10 giảm so với tháng 9, con số này tăng 3% trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo ông Bill Taubman - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành trung tâm thương mại Taubman Centers, nhiều cửa hàng tại các trung tâm của họ sẽ giảm bớt thời gian mở cửa để tiết kiệm chi phí nhân viên. Tuy nhiên, ông Taubman cho rằng, điều này gây ra sự thất vọng cho khách hàng vì nghĩ rằng cửa hàng nơi họ muốn mua sắm sẽ mở cửa.

Cô Vicky Thai, 27 tuổi – một trợ lý bác sĩ tương lai ở West Hartford, Connecticut - cho biết, cô thường xuyên cảm thấy thất vọng vì phải chờ đợi lâu để được phục vụ tại các nhà hàng và cửa hàng.

Trong khi đó, cô Artavia Milliam, 39 tuổi, ở Brooklyn, New York - người bán hàng trực tiếp tại cửa hàng H&M ở Quảng trường Thời đại - cho biết, cô phải dành nhiều thời gian để phụ giúp ở quầy bán hàng hơn là cập nhật các mẫu quần áo mới cho Manơcanh vì thiếu nhân viên. “Mọi thứ đang trở nên quá tải” – cô Milliam nói.

Các tập đoàn công nghệ và cơ quan tài chính ở Mỹ đều có dấu hiệu cắt giảm nhân sự. Ngoài Meta còn có những cái tên như Apple, Twitter và Amazon. Sắp tới, rất có thể người lao động Mỹ thay vì làm việc ổn định sẽ nhảy việc nhiều hơn hoặc làm việc bán thời gian. Đó là lý do mà số lượng công việc mới vẫn tăng trưởng đều đặn. Nhưng tiền lương có thể sẽ bị ảnh hưởng vì xu thế này.

Hà Anh