Toàn huyện Hương Khê có hơn 2.000 ha diện tích trồng cam, chủ yếu ở Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Thuỷ... Nhiều năm nay, cam Khe Mây được xem đặc sản cây ăn quả của Hương Khê và là giống cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân xã Hương Đô. Mùa cam Khe Mây bắt đầu vào vụ từ tháng 11 âm lịch, thời điểm này các vườn cam bắt đầu thu hoạch để bán cho thương lái hoặc cho khách hàng làm quà biếu. Để tránh sâu bệnh, kiến phá hoại quả, người trồng cam dùng túi bọc hoặc màn để ngăn côn trùng xâm nhập. Gia đình anh Đinh Công Việt Minh (34 tuổi, trú xã Hương Đô) có hơn 30 năm trồng cam Khe Mây. Với hơn 1.000 gốc cam, chủ yếu là các loại cam mát, V2, Xã Đoài... ước tính năm này đạt khoảng 9 tấn cam. Vào vụ thu hoạch mỗi kg cam tại vườn hiện được bán với giá giao động từ 60.000 - 90.000 đồng. Cam Khe Mây trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của người dân xã Hương Đô. Nhờ trồng loài cam này, nhiều chủ vườn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Theo nhiều người dân địa phương chia sẻ, việc chăm cây cam không tốn nhiều chi phí nhưng phải cẩn thận, tỉ mẩn. Từng quả cam được bọc trong bao giấy màu trắng để tránh côn trùng phá hoại... "Những quả cam bị thối hoặc vỏ cam phải được dọn sạch, không được vứt dưới gốc cây bởi dễ gây hiện tượng nấm và dẫn dụ côn trùng vào vườn”, ông Nguyễn Văn Khánh (64 tuổi, trú tại xã Hương Đô) nói. Cam sạch, chất lượng nên thương lái thường đến mua ngay tại vườn hoặc đặt hàng qua mạng xã hội. Không chỉ khách hàng trong tỉnh và các tỉnh khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng biết đến mua ăn và làm quà biếu. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, cam Khe Mây từ lâu nổi tiếng với vị ngọt, thơm mát. So với các giống cam ở miền Bắc thì cam khe mây có ngoại hình không mấy bắt mắt song có vị ngọt đặc trưng. "Toàn xã có hơn 320 ha cam, loài quả này giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống. Năm nay dù sản lượng thấp hơn so với các năm trước nhưng giá thành cao nên người trồng rất phấn khởi', ông Sơn thông tin. Cam Khe Mây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu cam Khe Mây góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương. Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, ngành nông nghiệp huyện có hơn 2.000 ha cam, trong đó gần 1.700 ha đã cho thu hoạch với sản lượng gần 16.500 tấn. Hiện, cam Khe Mây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu khi đưa ra thị trường.
Cẩm Kỳ