Quyết liệt thu hồi dự án treo

LÊ ANH 15/12/2022 07:19

Trong số gần 1.450 dự án thuộc diện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2016 đến nay, TP Hồ Chí Minh còn hơn 300 dự án treo chưa được thu hồi. HĐND TPHCM đánh giá, có quận, huyện còn tới 30% dự án chưa thực hiện thu hồi do nhiều tồn tại, bất cập.

Một dự án treo tại TP Hồ Chí Minh.

Tiến hành rà soát

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, từ năm 2016 HĐND TPHCM đã thông qua 1.445 dự án thuộc diện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có hơn 400 dự án đã hoàn thành và 741 dự án đang triển khai. Dù vậy, hiện vẫn còn còn 302 dự án chưa thực hiện và đang được UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Cũng theo ông Thắng, Sở TNMT đã đề xuất đối với các dự án đã đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất phải có lộ trình điều chỉnh quy hoạch để người dân thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng. Bởi nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà Nhà nước chưa điều chỉnh quy hoạch sẽ khiến người dân trong các khu vực dự án treo chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Thậm chí, Sở này cũng từng quyết liệt đề xuất rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết đối với các dự án quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai.

Qua giám sát các dự án treo thuộc diện thu hồi, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng ban Đô thị của HĐND TPHCM đánh giá, con số hơn 300 dự án treo chưa thực hiện được là con số còn khá lớn, trong đó có địa phương còn đến 30% dự án chưa thực hiện. Do đó, thay vì chỉ tổng hợp danh mục của các địa phương đưa lên như mọi năm, Ban Đô thị của HĐND TPHCM đã đề nghị Sở TNMT rà soát các dự án này để tham mưu cho UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét thông qua. Quan điểm của thành phố là công khai đối với các dự án bị đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất để các quận, huyện và TP Thủ Đức có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng tại các dự án treo.

Ghi nhận thực tế tại quận Bình Tân, một trong các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án treo triển khai quá lâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân điểm tên 2 dự án treo đã kéo dài trên 20 năm tại quận này. Cụ thể, dự án Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc có quy mô 112ha có chủ trương thực hiện từ năm 1998 nhưng đến nay còn tới 9,2ha chưa bồi thường. Dự án cũng không thực hiện được do còn vướng mắc, tồn đọng, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân khu vực chưa giải tỏa. Cũng trên địa bàn quận Bình Tân, dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc có quy mô khoảng 110ha nhưng hiện cũng còn 10ha chưa bồi thường. Ngoài 2 dự án treo kể trên, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng chia sẻ, người dân tâm tư, ý kiến nhiều về các dự án nhà ở triển khai kéo dài trên địa bàn. Đáng chú ý, hầu hết các nền đất dù đã được chuyển nhượng và xây dựng nhà ở nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật hoặc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nên hạ tầng dân cư không đảm bảo, kèm theo các khó khăn, bất cập đối với người dân tại đây.

Ngoài quận Bình Tân, hàng trăm dự án treo chưa thu hồi được nằm rải rác trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức. Trong đó riêng Củ Chi còn các “siêu dự án treo” như Công viên Sài Gòn Safari (trên 10 năm chưa triển khai); Dự án quy hoạch KCN Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây) kéo dài từ năm 2006 đến nay nằm “phơi sương”; Dự án KCN Phước Hiệp có chủ trương đầu tư từ năm 2010 và đã bị đưa vào danh sách chấm dứt hoạt động...

Kiên quyết xóa dự án treo

Ông Dương Ngọc Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM dẫn chứng tại các dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc và KCN Vĩnh Lộc đã treo tới hơn 20 năm nhưng cả 2 dự án này đều chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu từ công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, trong đó KCN Vĩnh Lộc còn 10% chưa giải tỏa do chưa thống nhất được đơn giá bồi thường cho hộ dân.

Ông Hải cho rằng, đối với các dự án treo kéo dài, nhất thiết cần có giải pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm, ổn định cuộc sống người dân.

Về đề xuất giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội TP HCM đề nghị Tổ công tác rà soát dự án treo của thành phố cần phải thống kê rõ ràng hiện trạng thực tế của các dự án treo, phân tích vấn đề của từng dự án, phân loại theo thẩm quyền giải quyết của địa phương hay cấp thành phố để giải quyết dứt điểm. Nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương thì TP HCM đề xuất Trung ương xử lý.

Liên quan đến việc còn hàng trăm dự án treo chưa được thu hồi, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ lập Tổ công tác rà soát các vấn đề tồn đọng, sau đó nâng cấp lên thành Ban chỉ đạo để quyết liệt xử lý. Việc phải lập Tổ công tác để xử lý cho thấy quyết tâm rất lớn của UBND TPHCM trong việc thu hồi, thậm chí sẽ xóa quy hoạch treo để ổn định cuộc sống người dân, đẩy nhanh bàn giao đất sạch để phát triển hạ tầng đô thị.

LÊ ANH