Gìn giữ bản sắc giữa guồng quay kinh tế
Luôn xác định lấy bản sắc văn hóa làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, nên trong nhiều năm qua bên cạnh việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, Nho Quan có 7 xã được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi với 28.861 người là người DTTS; trong đó, dân tộc Mường chiếm 97,18%. Thời gian đầu khi mới tái lập tỉnh Ninh Bình, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc ở Nho Quan rất khó khăn. Kinh tế tự cung, tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau 30 năm, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng với đó là trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp đời sống của bà con đồng bào được nâng lên đáng kể.
Cùng với sự hỗ trợ đến từ Chương trình 327, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM... người dân các xã vùng cao của Nho Quan đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa những cây trồng, vật nuôi đặc sản vào để phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó từng bước nâng cao đời sống. Đến nay, mức thu bình quân đầu người trên địa bàn các xã vùng cao đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc. Đến nay, đời sống đồng bào DTTS ở Nho Quan có nhiều khởi sắc.
Ông Bùi Văn Tăng - Phó Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Nho Quan cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổi thay ở Nho Quan là: Song song với việc nâng cao đời sống của đồng bào DTTS là bảo tồn văn hóa truyền thống. Những năm qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tập trung triển khai các đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào DTTS nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Hàng năm, Nho Quan tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa của vùng đồng bào DTTS tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể.
“Đặc biệt, để bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường, huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”; Đề án “Bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường”. Từ năm 2017, huyện đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào vùng DTTS được tích cực triển khai. Hạ tầng thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Cụ thể: huyện đã đầu tư xây dựng 2 nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú), bản Đồng Trung (xã Quảng Lạc); sửa chữa, phục dựng lại nhà sàn truyền thống, đưa vào sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Nga II, thôn Đồng Bót (xã Cúc Phương)…
Theo ông Tăng, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, thời gian tới Nho Quan sẽ tập trung huy động nguồn lực tài chính, nhất là nguồn xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt là việc triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn.