Thị trường bất động sản: Bao giờ qua cơn khó?

Thúy Hằng 15/12/2022 07:20

Theo nhận định của TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thị trường bất động sản sẽ có cơ sở hồi phục từng bước từ quý III, IV của năm 2023. Giai đoạn này, kinh tế thế giới hồi phục, áp lực tỷ giá hạ nhiệt, nhà đầu tư bắt đầu lấy lại niềm tin.

Ông Lực phân tích, từ quý III năm 2023 kinh tế thế giới sẽ hồi phục khi áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương hạ nhiệt. Những vụ việc liên quan đến thị trường tài chính đến quý III năm tới cơ bản được xử lý, nhà đầu tư bắt đầu lấy lại được niềm tin.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng phân tích, muốn thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Doanh nghiệp bất động sản cũng phải chủ động tìm hiểu chương trình phục hồi, nhất là các chương trình nhà xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá nguồn vốn.

Đưa ra nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Cụ thể, kịch bản thứ nhất là sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh. Thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản 2 là thị trường bất động sản năm 2023 vẫn còn khó khăn bởi dòng vốn chưa được khơi thông.

Ông Đính cũng dự báo khả năng sẽ xảy ra theo kịch bản 1. Để thích ứng, doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới, khi đó thị trường sẽ lưu thông và thanh khoản tốt hơn.

Để tháo gỡ, kích hoạt thị trường nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, ông Đính cho rằng, rất cần phải thúc đẩy hoạt động phát triển cho các dự án bất động sản phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, theo ông Đính, tiến độ chỉnh sửa luật cũng cần được đẩy nhanh, nội dung sửa cần bám sát thực tế, phải thực sự tháo gỡ được điểm nghẽn đang hiện hữu. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật Đất đai. Đồng thời quá trình sửa luật cần thường xuyên được cập nhật, công khai để xã hội nắm bắt, củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư,…

Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2022 diễn ra vào ngày 14/12, một khảo sát về tâm lý người tiêu dùng của Batdongsan.com.vn cũng cho biết, trong năm 2022, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu đồng/tháng vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm bất động sản. Khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới. Tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ 1 bất động sản trở lên còn cao hơn. 79% người đang có 2 bất động sản cho biết họ sẽ mua thêm trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 bất động sản lên đến 87%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Trong đó khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường khi cần thiết.

Thúy Hằng