Khả quan dòng kiều hối
Những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về nước vào dịp Tết thường tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết dương lịch, kiều bào cũng sẽ gửi tiền về sớm cho người thân. Do đó, lượng kiều hối hứa hẹn sẽ rất khả quan.
Vừa nhận được 10.000 Euro từ anh trai ở Đức gửi về, anh Hoàng Hữu Thịnh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ, gia đình anh đã đem số tiền này gửi ngân hàng, thời điểm cần thiết sẽ đưa ra sử dụng. Anh Thịnh cũng cho biết, hơn 3 năm nay anh đều nhận được tiền từ anh trai gửi về.
Mùa vụ kiều hối
Cũng nhận được lượng kiều hối từ người thân hàng năm, chị Nguyễn Minh Trung (Hà Tĩnh) cho biết, chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Hàng quý, chồng chị lại gửi 1.500 USD về cho 3 mẹ con. Số tiền chồng chị gửi về sau 3 năm đi làm việc xứ người cũng được chị cất giữ tích góp để mua xe ô tô cho chồng chạy taxi.
Năm 2022 là năm các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi sau đại dịch Covid -19, điều này sẽ giúp cho người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào thu nhập ổn định trở lại và có thể tăng lượng kiều hối gửi về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy có những yếu tố lo ngại lạm phát cao ở các quốc gia này, song lượng kiều hối năm 2022 dự báo tiếp tục khả quan.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào gặp nhiều khó khăn song vẫn luôn hướng về quê hương. Người Việt ở nước ngoài liên tục gửi tiền về nước là một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nhiều vốn đầu tư.
Báo cáo về Di trú và Phát triển do World Bank và KNOMAD thực hiện cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu suốt 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định. Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.
Chỉ riêng tại khu vực TPHCM, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, kiều hối về thành phố tăng trưởng dương theo từng tháng, cùng với các nguồn vốn khác sẽ góp phần hỗ trợ cho kinh tế TPHCM phát triển. "Lượng kiều hối chuyển về sẽ tiếp tục tăng trong quý IV và khả năng sẽ đảm bảo duy trì bằng mức của năm 2021, khoảng 6,8 tỷ USD trong năm 2022" - ông Lệnh cho biết.
Tạo nguồn kiều hối ổn định, bền vững
Để chuẩn bị mùa cao điểm kiều hối cuối năm, các ngân hàng, công ty kiều hối đã và đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ. Khi thân nhân chuyển tiền từ nước ngoài, ngay lập tức tiền sẽ vào tài khoản cá nhân trong nước, hoặc chỉ một vài phút để có thể nhận tiền tại quầy. Việc chi trả tại nhà của người nhận cũng được thực hiện trong ngày. Nhiều ngân hàng, công ty kiều hối hiện đã phát triển hàng nghìn điểm, đại lý chi trả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người nhận.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại hút kiều hối. Theo các ngân hàng thương mại, để có lượng kiều hối "chảy" về Việt Nam ngày càng tăng, các ngân hàng thương mại đã triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài, như Vietbank, Sacombank…
Điển hình, từ nay đến ngày 31/12/2022, Vietbank triển khai chương trình ưu đãi “Kiều hối trao tay - Nhận ngay quà chất” dành cho khách hàng cá nhân nhận chi trả tiền kiều hối hoặc giới thiệu khách hàng nhận tiền chi trả kiều hối qua Western Union và MoneyGram tại Vietbank. Tương tự, Sacombank đã triển khai miễn phí dịch vụ nhận tiền gửi về từ nước ngoài qua thẻ Sacombank Visa...
Để tạo điều kiện thu hút lượng kiều hối nhiều hơn nữa, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Nhà nước cần tạo ra những đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối. Theo đó, Luật Nhà ở nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, trong thời gian tới, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam. Do đó, việc cởi mở hơn cơ chế, chính sách cho các Việt kiều để thu hút kiều hối là việc nên làm.
Để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần có những chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng hình thức vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường...
PGS. TS Đỗ Thị Kim Hảo và nhóm cộng sự của Học viện Ngân hàng khuyến nghị, cần có các chính sách tạo điều kiện cho những công dân định cư nước ngoài, Việt kiều và hỗ trợ họ được tham gia vào các hoạt động thương mại trong nước. Ví dụ như về góp vốn, cổ phần với các tổ chức doanh nghiệp trong nước; có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào; tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào mua đất đai, nhà ở và đầu tư bất động sản tại quê hương.
Thêm nữa, Chính phủ cần chủ động ký kết với các nước những hiệp định, hiệp ước bảo vệ quyền lợi cho kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, từ đó kiều bào có cuộc sống ổn định, quay trở lại đầu tư và xây dựng đất nước.
Về phía các tổ chức tín dụng, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã có sự kết nối mạnh mẽ với tổ chức quốc tế và cả các nhà trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả dịch vụ. Điều này cần được nhìn nhận là nhân tố có tác động kích hoạt lượng kiều hối linh hoạt, thông suốt về Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị các ngân hàng cần có chính sách thu phí dịch vụ chuyển tiền một cách hợp lý giúp dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn. Khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính. Trên cơ sở đó các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở các khu vực nông thôn thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả nguồn kiều hối.
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội người Việt tại châu Âu:
Người Việt tại Séc một lòng hướng về Tổ quốc
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, tình hình bà con người Việt tại Séc nói riêng và người Việt tại châu Âu nói chung đã ổn định trở lại. Những ngày này, hoạt động buôn bán tại các Trung tâm thương mại ở Séc vô cùng sôi động. Rất đông người dân nước sở tại cũng như bà con người Việt đến mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho Noel và ngày Tết. Với người Séc, đây là dịp nghỉ lễ quan trọng trong năm, thời gian dành cho người thân và sum họp gia đình sau những ngày làm việc vất vả.
Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam tại Séc luôn đoàn kết, tương trợ nhau phát triển; thường xuyên gặp mặt, tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực... Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ở nước sở tại, cộng đồng người Việt ở Séc còn nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, một lòng hướng về Tổ quốc thông qua các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam, phòng, chống dịch Covid-19...
Hiệp hội người Việt tại châu Âu thời gian qua cũng tổ chức các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nhằm thắt chặt tình đoàn kết, ổn định cuộc sống của bà con, và hướng về quê hương.
TS Phan Bích Thiện - kiều bào tại Hungary:
Việc làm ăn của bà con đã bớt khó khăn
Hiện nay trong số 4,5 triệu kiều bào đang làm việc, sinh sống và học tập ở nước ngoài thì có một số lượng khá lớn kiều bào quay trở lại phục vụ quê hương. Hiện, bà con kiều bào còn có nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn khác nhau để đóng góp và đề xuất những vấn đề phát triển đất nước. Bà con kiều bào luôn có tấm lòng hướng về quê hương đất nước, mong muốn được đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, hàng năm, người Việt Nam ở nước ngoài thường gửi một lượng kiều hối rất lớn về trong nước. Năm nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi sinh hoạt đã bình thường trở lại, việc làm ăn của bà con cũng bớt khó khăn hơn so với 2 năm trước nên lượng kiều hối được đưa về trong nước khá khả quan. Đây cũng chính là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển.
Nguyễn Phượng(ghi)