Tích cực hướng nghiệp sớm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp cũng ngày càng phong phú. Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề là khả quan...
Người học đã thực tế hơn
Học nghề đang dần trở thành lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên. Điều này vừa là sự chuyển dịch phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận, lựa chọn định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Việc một bộ phận thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đăng ký vào học các trường CĐ, trung cấp nghề đang dần trở thành một xu thế. Nguyên nhân là do cơ chế đào tạo của các trường CĐ, trung cấp nghề phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Nhiều ngành nghề, sau khi ra trường, người học có thể có việc làm luôn với mức lương cao.
Ông Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học (ĐH) và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam chia sẻ: Ngày càng có một bộ phận lớn người dân ý thức được rằng sau THCS, có thể cân nhắc việc định hướng cho các em tham gia thị trường lao động sớm, nhằm trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực, cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn.
Còn TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng, việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt. Bởi chọn học CĐ hoặc trung cấp nghề là các em đã có suy nghĩ thực tế hơn. Vào ĐH là một sự lựa chọn, nhưng không phải trường nào cũng có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng đạt chất lượng tốt. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được nâng cao; nhiều trường đã được kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, một tỷ lệ lớn sinh viên các trường CĐ, trung cấp sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo.
Phân luồng giúp giáo dục gắn kết với thị trường lao động
Thống kê của Tổng cục GDNN, tỷ lệ học viên trường nghề có việc làm sau tốt nghiệp bình quân là 85%, thu nhập ở nhiều ngành nghề cũng rất tốt, học viên được các nhà tuyển dụng tiếp nhận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Như vậy có thể thấy phân luồng học sinh sau THCS nói chung và hướng đến học nghề nói riêng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh; phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế...
Là chủ nhiệm đề tài về giải pháp phân luồng học sinh sau THCS, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh vai trò quan trọng của phân luồng học sinh sau THCS và cho rằng, hoạt động này không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh, mà còn đa dạng hóa phương thức học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Phân luồng học sinh tác động tích cực đến chất lượng giáo dục trên bình diện cá nhân từng người học, cũng như môi trường giáo dục nói chung…Phân luồng học sinh sau THCS rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng để việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS có hiệu quả, cần giải quyết các vấn đề không chỉ từ nhà trường mà còn từ phía phụ huynh học sinh. Phụ huynh nên đóng vai trò tư vấn trong việc chọn nghề/nghiệp cho con, đồng thời cả phụ huynh và học sinh cần thay đổi nhìn nhận về nghề nghiệp, nhất là trong tình hình “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay.
Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.