Tăng cường giám sát chương trình đầu tư vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Ngày 15/12, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên.
Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (UBTƯ MTTQ Việt Nam) và ông Đường Anh Ngữ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội thảo.
Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đầu tư 138 ngàn tỷ đồng để ưu tiên phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại 3.434 xã của 51 tỉnh. Riêng khu vực Tây Nguyên có 521 xã, với 417 thôn, làng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi. Hội thảo lần này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, không chuyên trách MTTQ Việt Nam các cấp đối với triển khai nhiệm vụ và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên.
Một số báo cáo tham luận được đại biểu tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông trình bày tại Hội thảo như: “Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong góp phần phát triển KT-XH của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Glong (tỉnh Đắk Nông) trong công tác triển khai thực hiện và giám sát mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; “Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Mê Linh (Lâm Hà, Lâm Đồng) trong công tác tuyên truyền vận động giúp đỡ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn” của đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Buk So (huyện Tuy Đức, Đắk Nông)…
Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, triển khai các chương trình, dự án đầu tư đạt hiệu quả cao, Hội thảo đã dành nhiều thời gian trao đổi xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân đối với các chương trình, dự án đầu tư; vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong tuyên truyền vận động người dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh trong vùng dân tộc thiểu số; thực hiện hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh, bền vững...
Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm cho rằng, MTTQ các cấp cần triển khai hệ thống giải pháp từ nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế, quy định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận; đồng thời, tăng cường thực hiện chức năng giám sát xã hội để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, triển khai các chương trình, dự án đầu tư đạt hiệu quả cao. Mặt trận các cấp cũng cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vai trò của MTTQ Việt Nam trong phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp trong phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số…
Còn theo ông Trần Minh Quân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông, để làm tốt công tác giám sát, ngoài cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, MTTQ các cấp cũng cần chú trọng phát huy được vai trò của quần chúng, của những người chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cùng tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan, ban, ngành thì MTTQ tỉnh Đắk Nông thành lập lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo, người có uy tín dân tộc thiểu số để cùng tham gia công tác giám sát. Nếu có những vấn đề gì bất cập trong triển khai thì xây dựng kế hoạch giám sát cho trọng tâm, trọng điểm… để đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư.
[Phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học trong giám sát, phản biện xã hội]