Nâng cao hiệu quả Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’

Nguyên Du 15/12/2022 17:50

Chiều 15/12, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì buổi toạ đàm trao đổi các giải pháp nâng cao hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Bạc Liêu.

Dự toạ đàm có đại diện cán bộ Mặt trận 9 tỉnh khu vực ĐBSCL gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Thường trực Tỉnh ủy; HĐND, UBND, cùng các sở ban ngành đoàn thể tỉnh Bạc Liêu.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi toạ đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở Cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam rộng khắp cả nước, đóng góp những thành tựu nhất định trong kết quả phát triển kinh tế những năm qua.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, so với yêu cầu của phát triển nền kinh tế bền vững, tự chủ chúng ta thấy vẫn còn một số biểu hiện đáng lo ngại, chất lượng hàng hóa của nhiều doanh nghiệp đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong xu hướng chúng ta đang thực hiện cam kết về tự do thương mại trong khu vực cũng như hướng tới tự do thương mại của các nước trên thế giới. Hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú; yêu cầu về chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, mẫu mã chưa đẹp, chưa bắt mắt.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền với hình thức truyền thống như: mở chuyên trang, chuyên mục; trưng bày giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu hàng hóa…), trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường những giải pháp này và có những giải pháp mới gắn tuyên truyền với chuyển đổi số.

Đại biểu phát biểu đóng góp giải pháp tại buổi toạ đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nhận định, hàng Việt Nam đã được người dân tin dùng ngày càng nhiều tuy nhiên các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp nên thực hiện để có thể tiếp tục khuyến khích người dân tiêu dùng hàng Việt Nam như: Nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nơi tập kết hàng hóa, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, không đảm bảo chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hóa; các nhà sản xuất, phân phối hàng Việt Nam phải thường xuyên phối hợp với các đoàn thể phường, khu phố, tổ dân phố để tuyên truyền và giới thiệu về sản phẩm của mình, tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm đa dạng, dễ nhớ cho người dân; đối với các mặt hàng liên quan đến thực phẩm tươi sống, rau xanh phải tuyệt đối đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các phụ gia thực phẩm quá liều lượng cho phép; các doanh nghiệp khi sản xuất phải đảm bảo ghi rõ ràng về các chỉ số của sản phẩm, cách sử dụng, bảo quản và thời hạn sử dụng của sản phẩm...

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Cuộc vận động như tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động, nhất là quảng bá các sản phẩm lợi thế của địa phương; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổ chức nhiều hơn nữa các phiên chợ hoặc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng hơn. Tăng cường hơn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại....

Đại biểu tham dự buổi toà đàm.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, qua buổi tọa đàm Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp trên nhiều phương diện khác nhau của đại biểu đến từ các tỉnh để có cái nhìn đầy đủ hơn về kết quả thực hiện cuộc vận động cũng như những đề xuất, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Nguyên Du