Chế tài chưa đủ răn đe?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh đối với hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn dịp cuối năm.
Mức phạt ra sao?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Trong đó về xử phạt hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Theo đó, mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp xác định mức tiền phạt tương ứng với giá trị thực phẩm vi phạm thì mức tiền phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm nhưng đảm bảo không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Cùng với hình phạt chính là phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định như: Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; Tước quyền sử dụng Giấy phép. Đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm;...
Đã đủ răn đe?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất đối với hành vi vi phạm thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì người phạm tội bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm này đó là khi người phạm tội thực hiện tội phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 317 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Trường hợp người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Trường hợp có hợp đồng sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng, nếu không có hợp đồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thực phẩm bẩn có là mối nguy hại đối với sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của con người nếu sử dụng lâu dài. Vấn nạn thực phẩm bẩn cũng đã được báo động ở nước ta từ nhiều năm nay, cũng đã có nhiều biện pháp được triển khai song thực tế vẫn chưa đẩy lùi được hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Có thể thấy, mặc dù chế tài xử phạt đã có, tuy nhiên, vì lợi nhuận thu được từ hành vi này quá lớn, do đó nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp hành vi vi phạm, coi thường luật pháp và sức khỏe của con người.
Trên thực tế, các trường hợp bị xử lý hình sự vẫn còn hạn chế. Các vụ việc được kiểm tra, phát hiện vẫn chỉ là thiểu số. Càng về cuối năm, các hoạt động tuồn thực phẩm bẩn vào thị trường càng sôi động mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát động các đợt cao điểm kiểm tra, giám sát.
Bởi vậy, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cần được lực lượng chức năng và các cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng cần thật nghiêm minh, xử phạt thật nặng để tăng tính răn đe. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí, thông tin đại chúng.