Lo ngộ độc rượu

Minh Thủy 16/12/2022 07:00

Tết chưa đến nhưng nỗi lo ngộ độc rượu đã lại ám ảnh khi mà gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, có vụ nạn nhân tử vong. Không lo sao được vì bây giờ là thời điểm cuối năm, rượu bia ê hề trong các buổi tiệc tùng, liên hoan, tổng kết, tất niên. Rượu “bẩn” gây ra ngộ độc, nhưng uống nhiều thì dù có là rượu “tốt” cũng khó tránh khỏi ngộ độc.

Có thể nói rượu là khâu khó kiểm soát an toàn nhất do buôn bán tràn lan. Bất kể đâu, từ một quán cóc vỉa hè cho đến làng mạc thôn quê, kể cả trong quán ăn, quán cà phê thì rượu lúc nào cũng sẵn. Khách không thể biết nguồn gốc rượu, cũng không biết rượu thật hay giả, có pha cồn công nghiệp (methanol) hay không. Người bán cũng lại rất mơ hồ nguồn gốc rượu, miễn là bán được, không bao giờ nghĩ sự tắc trách, hám lợi của mình hoàn toàn có thể khiến khách bị ngộ độc, kể cả mất mạng.

Mới đây, một người đàn ông 59 tuổi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) khi đã bất tỉnh. Ông này bị ngộ độc rượu cồn công nghiệp với nồng độ methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu liên tục, chạy thận, điều trị nội khoa tích cực. Vậy mà cũng phải mất 6 ngày ông này mới sống sót, nhưng cặp mắt đã gần như mù vĩnh viễn.

Lại có trường hợp ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người phải đi cấp cứu, 2 người tử vong. Tại tỉnh Kiên Giang, vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, 3 người tử vong.

Theo các bác sĩ chống độc, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng nhiều. Đáng sợ là các triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu mà hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau một, hai ngày uống. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Một điều cũng ít ai biết là chi phí điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thật đáng sợ khi rượu kém chất lượng, rượu có methanol vẫn vừa len lỏi vừa công khai trên thị trường. Càng về cuối năm, càng gần Tết Nguyên đán thì lượng rượu đưa ra thị trường càng nhiều và người ta cũng uống nhiều hơn. Từ đó, nguy cơ ngộ độc do rượu bia cũng tăng.

Theo quy định, buôn bán, sản xuất rượu là ngành kinh doanh có điều kiện nên từ khâu sản xuất, phân phối đến bán buôn, bán lẻ đều yêu cầu kiểm soát chặt chẽ và có giấy phép. Nhưng, việc bán lẻ rượu là khâu “sát sàn sạt” người tiêu dùng nhưng cũng lại là khâu khó kiểm soát nhất. Cả người bán lẫn người uống cũng đều bất cẩn.

Nói chung, ở khâu nào trong “chuỗi” sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu cũng đầy nguy cơ. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM kể lại, một lần đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong cửa hàng có một can cồn công nghiệp. Nhưng khi được hỏi thì chủ cửa hàng lại khai là cồn dùng để sát khuẩn, nên cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Rủ nhau, nài ép, khích nhau uống rượu, đáng tiếc vẫn phổ biến. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, khuyến cáo nhưng không chuyển. Cơ quan y tế hướng dẫn nhiều lần, nhưng có lẽ quá chuyên môn chăng nên người dân không hiểu. Vì thực tế khi nói rằng ngộ độc phổ biến là rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (Methanol), thì có phải ai cũng biết 2 chất đó là gì đâu, và cũng làm sao mà biết là trong chai rượu mình uống có 1 trong 2 chất ấy. Có phải ai cũng biết ngộ độc rượu Etylic (Ethanol), bao gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây say và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Vì vậy, trước tiên và rất quan trọng để chặn ngộ độc rượu phải là từ cơ quan chức năng, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để những loại rượu “khó hiểu” kia công khai bán ra thị trường.

Về phía người uống rượu phải biết giữ mình, không để quá chén, biết “né” khi bị ép. Vì cho dù có không bị ngộ độc đi chăng nữa thì rượu vào khó kiểm soát hành vi. Người uống rượu thường xuyên sẽ bị nghiện, “nát rượu”, thần kinh rệu rã, cơ thể bạc nhược, mắt mờ, chân tay lẩy bẩy, bê tha. Có người đốt nhà, giết người cũng chỉ vì say rượu.

Vậy, ai phải bồi thường khi xảy ra ngộ độc rượu? Điều 6 Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: Nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất hay cơ sở kinh doanh nào thì tổ chức sản xuất, kinh doanh đó sẽ bị xử lý. Tại Nghị định 178/2013 của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết cá nhân, tổ chức vi phạm gây ngộ độc thực phẩm (trong đó có rượu) sẽ bị xử phạt, mức cao nhất là 100 triệu đồng và có thể phải ngồi tù 15 năm.

Minh Thủy