Hỗ trợ người lao động bị cắt việc khi Tết gần kề
Chiều 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp, ông Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần; thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy phân khối lớn; các loại ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử....
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần quan tâm thêm đến mảng doanh nghiệp (DN) trước tình trạng DN thiếu vốn.
“Ngân hàng mới nới room tín dụng. Còn trong tháng 10 và 11 rất khó khăn. Chứng khoán xuống dưới mức 1000 điểm, trái phiếu DN đi xuống, bất động sản thì bán tháo. Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo nới room nhưng DN đề nghị các kênh bất động sản, tiền tệ, ngân hàng phải sớm giải quyết” - ông Thanh nói.
Báo cáo về việc cử tri lo lắng tình trạng rút BHXH 1 lần, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, qua thống kê giải quyết BHXH 1 lần giai đoạn 2016-2021 có trên 4 triệu người được giải quyết BHXH 1 lần, chưa tính đến người lao động do Quốc phòng, Công an giải quyết. Tính bình quân số người rút BHXH 1 lần năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân mỗi năm có trên 800 nghìn người rút BHXH 1 lần. Năm 2022 đã có trên 895 nghìn người, tăng hơn 3,7% so với năm 2021. Từ đó, ông Sinh kiến nghị, Nhà nước cần có giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.
Liên quan đến tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề diễn ra ở các tỉnh phía Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh đây là vấn đề cần có giải pháp xử lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng trước tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc, cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ đúng đối tượng.