Bước tiến mạnh mẽ của xuất nhập khẩu
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tính đến thời điểm giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 700 tỷ USD, đây là con số kỷ lục trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Những con số ấn tượng
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về quy mô và tốc độ. Một cột mốc mới 700 tỷ USD được ghi nhận vào ngày 15/12/2022. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN xuất qua cảng TPHCM bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 36 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính theo ngành hàng, thuỷ sản luôn nằm trong những ngành vượt chỉ tiêu sớm nhất. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến hết 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.
Nhận định về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, ông Alex Tatsis - Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều: Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại
Theo thống kê tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA). Các FTA đi vào thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Song, thực tế, DN còn bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng triệt để lợi thế từ các FTA. Điều này một phần do năng lực của DN còn hạn chế; ngoài ra do sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những rào cản đối với DN xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của DN sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng.
Về động lực tăng trưởng, các chuyên gia khẳng định, nền tảng vẫn là xuất khẩu. Trong đó, phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến…
Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA). Các FTA đi vào thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.