Năm 2023, phương án tuyển sinh của các trường đại học thay đổi thế nào?
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023 với một số thay đổi so với năm 2022.
Thêm cách thức dự tuyển đại học
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. Theo đó, kỳ thi gồm 8 môn. Thời gian thi dự kiến một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và 5 hằng năm, sau khi học sinh học xong chương trình THPT và trước khi thi tốt nghiệp.
Ngoài điểm thi chính tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sẽ có một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam.
Theo nhà trường, điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh có thể dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để đăng ký dự tuyển vào trường.
Hiện có Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm Huế cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi riêng này để xét tuyển vào trường. Cùng với đó, để đảm bảo yếu tố minh bạch, điểm khác năm 2023, nhà trường sẽ công bố công khai đề thi và toàn bộ đáp án.
Theo nhà trường, trường sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 lên khoảng 20-30% tuỳ từng ngành.
Ngoài ra, trường cũng sử dụng bốn phương thức khác như năm ngoái, gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Như vậy, đến thời điểm này, cả nước có 5 cơ sở giáo dục đại học tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, năm 2023 Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực trong tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 nghìn lượt thi tại 8 tỉnh, thành trong cả nước như năm 2022.
Mục tiêu là đảm bảo an toàn, chất lượng thí sinh để đáp ứng đúng nhu cầu của các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Thông tin về phương án tuyển sinh năm 2023, TS Vũ Quốc Huy - Phó Trưởng phòng Đào tạo và Công tác tuyển sinh, Trường Đại học Việt Đức cho biết, nhà trường tổ chức tuyển sinh theo 5 phương thức. Cụ thể:
Phương thức 1: Thực hiện theo hình thức thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.
Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT đối với thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam trong năm tuyển sinh.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi bậc THPT cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.
Phương thức 4: Xét tuyển đối với các thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của các bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).
Phương thức 5: Thực hiện theo hình thức xét tuyển căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh.
TS Vũ Quốc Huy cho biết, thí sinh được phép tham gia nhiều phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân theo các mốc thời gian tuyển sinh và nhập học được quy định cho mỗi đợt tuyển sinh. Đối với thí sinh tham gia dự tuyển bằng nhiều phương thức, kết quả trúng tuyển và học bổng cho từng phương thức được xác định độc lập với nhau. Thí sinh đã nhập học sẽ không được tiếp tục xét tuyển theo phương thức khác ngoại trừ trường hợp chuyển ngành.
Điều chỉnh tạo thuận lợi cho thí sinh
Trước đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Nhìn chung, phương án tuyển sinh của các trường đều giảm dần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đề án tuyển sinh mà Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã công bố, từ năm 2023, trường này dự kiến không xét tuyển thuần theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác.
Còn năm 2023, Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành. Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa tổ chức sẽ tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với năm 2022.
Một số điều chỉnh trong phương án tuyển sinh mà một số trường đại học vừa công bố nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Về công tác tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn. Theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2023, Thứ trưởng Bộ GDĐT tạo Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện, công bố các phương thức tuyển sinh; lưu ý xem xét, điều chỉnh các phương thức tuyển sinh ít hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.