Hà Tĩnh: Giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật làm ‘nóng’ nghị trường
Sáng 16/12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, nghị trường tiếp tục “nóng” lên bởi những vấn đề liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi; thuốc bảo vệ thực vật.
Mở đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh lý giải về việc giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, vật nuôi; thuốc bảo vệ thực vật luôn là các vấn đề làm “nóng” nghị trường các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bởi đây là các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, là bài toán phải giải liền trong khi trên thực tế có những hạn chế mang cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đang tập trung cao chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, sản lượng sản xuất lúa… Ngành đã luôn bám sát và thực tế đã có kết quả cao về sự tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế.
Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế và Ngành vẫn đang nỗ lực tập trung tìm ra các giải pháp tối ưu nhất như qua nhiều bước đánh giá, theo dõi các giống lúa cơ cấu trên địa bàn để lựa chọn giống tối ưu; đồng thời khuyến cáo đến người dân các giống lúa mẫn cảm với dịch bệnh và giống nào phù hợp với địa bàn vùng miền để lựa chọn.
Bên cạnh đó, ngành cắt cử, giao nhiệm vụ cho từng đoàn để đi kiểm tra, lấy mẫu giống phân bón vật tư để kiểm tra; chỉ đạo các công ty cung ứng giống phải niêm yết giá công khai…
“Nhu cầu về giống lúa trên địa bàn Hà Tĩnh là rất lớn. Vì vậy, về lâu dài, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng những đơn vị cung cấp giống có năng lực, những đơn vị liên kết thu mua sản phẩm trên địa bàn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giống, bao tiêu sản phẩm. Ngành cũng hỗ trợ bản quyền giống, tạo điều kiện để các công ty ngoài địa bàn có giống mới đưa vào khảo nghiệm trên địa bàn…”, ông Việt nói.
Liên quan đến vấn đề phòng chống dịch và cũng là câu hỏi của Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân (Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh), về việc hiện nay khối lượng công việc lớn nhưng cán bộ thú y còn thiếu khá nhiều, như vậy có ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt thẳng thắn thừa nhận thực trạng thiếu và yếu cán bộ thú y ở cơ sở.
“Toàn tỉnh hiện có 216/216 xã có cán bộ thú y, tuy nhiên đội ngũ có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ đạt 50%, số còn lại không có chuyên môn và thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trước thực trạng này, trong quá trình chờ chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh đã quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác thú y ở cơ sở. Với vai trò là ngành chủ quản, sở sẽ phối hợp với các địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ ở cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ”, ông Việt thông tin.
Đối với các ý kiến của chủ tọa kỳ họp liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, người đứng đầu ngành NN&PTNT khẳng định: Phát triển nông nghiệp hữu cơ là nội dung trọng tâm được ngành quan tâm, triển khai. Thời gian tới, xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và phối hợp với các địa phương, ngành sẽ tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng lợi thế, có tính hàng hóa để xây dựng mô hình hữu cơ, từ đó nhân ra diện rộng. Trước mắt, khuyến cáo, chỉ đạo bà con sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo an toàn tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân): “Ngành đã tham mưu giải pháp nào để huy động nguồn lực cho Hà Tĩnh sớm đạt mục tiêu, lộ trình tỉnh NTM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?”.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021- 2025” vào ngày 15/7/2021; UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, theo tiêu chí tỉnh NTM, Hà Tĩnh chưa hoàn thành tiêu chí 100% số xã, 100% huyện và thành phố đạt chuẩn NTM; 50% số xã đạt tiêu chí nâng cao, 10% số xã kiểu mẫu…
Việc thực hiện đề án xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM cần nguồn lực rất lớn, UBND tỉnh đã chủ động làm việc với các bộ, ngành trung ương để thu hút nguồn ngân sách Trung ương; chỉ đạo theo từng giai đoạn để quá trình thực hiện đảm bảo phù hợp.
Cần phải làm gì để có “nền móng” một ngành nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh nhà là câu hỏi của đại biểu Dương Tất Thắng (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) gửi đến tư lệnh ngành NN&PTNT.
Trả lời câu hỏi “then chốt” này, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, băn khoăn của đại biểu Thắng cũng là điều lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp hết sức trăn trở. Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh 3 mục tiêu chính: sản xuất đại trà phải đảm bảo an sinh xã hội; phát triển sản phẩm đặc thù, mang đặc trưng riêng của từng địa phương; du nhập giống cây trồng vật nuôi để triển khai mô hình sản xuất hiệu quả.
“Tư lệnh” ngành nông nghiệp cho biết thêm, đây là chiến lược lớn đã được đề cập tới tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các kế hoạch, đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.