Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Nguyên Vũ 17/12/2022 08:20

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo bước ngoặt quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Một số hình ảnh trận địa phòng không trong Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", năm 1972.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, khẳng định tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức thông qua kế hoạch mở Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II) đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán. Sáng ngày 18/12/1972, Ronald Ziegler - Phát ngôn viên Nhà Trắng, chính thức thông báo lệnh của Tổng thống Richard Nixon: “Tái oanh tạc các mục tiêu quân sự trên toàn lãnh thổ Bắc Việt và nhấn mạnh rằng hành động này sẽ được tiếp diễn cho tới khi đạt được một thỏa hiệp chấm dứt chiến cuộc Việt Nam”1.

Chiến dịch Linebaker II được thực hiện qua 2 đợt: Đợt 1: ( từ ngày 18 - 24/12/1972); Đợt 2: (từ ngày 26 - 29/12/1972). Thực hiện kế hoạch, Mỹ huy động hầu hết máy bay thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược 8, gồm các liên đội 43 và 76 ở Guam, Liên đội 307 ở Utapao (Thái Lan), với tổng số 193 chiếc B-52 (chiếm 50% số máy bay B-52 trong biên chế); 2 đại đội máy bay F-111A (gồm 48 chiếc), 999 máy bay chiến đấu các loại bố trí ở Thái Lan, miền Nam Việt Nam và trên 6 tàu sân bay ở Biển Đông. Ngoài ra, còn một số máy bay tiếp dầu KC-135 và các máy bay bảo đảm khác. Về lực lượng hải quân, Mỹ tăng cường tàu chiến hoạt động ở vịnh Bắc Bộ từ 18 lên 66 chiếc (chiếm 60% tổng số tàu chiến đấu và tàu đổ bộ của Hạm đội 7). Toàn bộ lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy tập đoàn quân không quân chiến lược lâm thời 57, Sở chỉ huy ở căn cứ Guam2.

Trong chiến dịch có tổng cộng 741 lượt B-52 vào ném bom miền Bắc Việt Nam trong đó có 12 lượt bị hủy. Cùng thời gian đó, vẫn có 212 lượt B-52 đi ném bom ở miền Nam Việt Nam. Hỗ trợ cho các máy bay ném bom là 3.920 lượt máy bay ném bom chiến thuật của không quân và hải quân. Tổng cộng đã có 15.000 tấn bom thả xuống những nơi được Mỹ coi là 18 mục tiêu công nghiệp và 14 mục tiêu quân sự. Cuộc tập kích của không quân Mỹ diễn ra liên tục trong ngày với trọng tâm là các cuộc ném bom của B-52 vào ban đêm. Một lực lượng lớn máy bay B-52, mỗi chiếc mang tối đa 66 quả bom 750-pound (340 kg) hoặc 108 quả bom 500-pound (227 kg) thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt hàng đêm tại Hà Nội và Hải Phòng. Còn ban ngày các máy bay chiến thuật thay nhau liên tục đánh phá ác liệt các sân bay của không quân tiêm kích Bắc Việt Nam, các trận địa tên lửa và các trạm radar phòng không.

Có thể thấy đây là cuộc đấu trí, đấu lực hết sức cam go giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chính quyền Tổng thống Richard Nixon, đòi hỏi sự tập trung cao nhất về bản lĩnh, trí tuệ cũng như sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bên cạnh sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, để giành thắng lợi đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần chủ động, sáng tạo cao độ. Ngay từ năm 1962, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay B-52 ở Việt Nam và căn dặn “Phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”3. Đến cuối năm 1967, một lần nữa, Người chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua, phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị”4.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều động nhiều cán bộ có kinh nghiệm tác chiến và một số đơn vị tên lửa, không quân, radar vào Trị - Thiên, Quân khu 4 tìm cách đánh B-52. Đến tháng 11/1972, tài liệu “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” được hoàn thiện để phổ biến cho các cơ quan và đơn vị. Kết quả phổ biến kinh nghiệm và huấn luyện chuyên đề đánh máy bay B-52 với các đơn vị tên lửa đã tạo điều kiện cho bộ đội nâng cao trình độ, khả năng tác chiến.

Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương còn dự kiến chính xác khả năng đế quốc Mỹ dùng vũ khí chiến lược B-52 để đánh phá miền Bắc Việt Nam: “Sắp tới, địch có thể có những hành động phiêu lưu quân sự, ném bom bắn phá trở lại từ Vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước, nhất là dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, các đầu mối giao thông, các vùng đông dân; dùng hải quân tăng cường bắn phá bờ biển”5.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện qua trí thông minh, óc sáng tạo của con người Việt Nam trước vũ khí, trang bị hiện đại của đế quốc Mỹ. Thực hiện cuộc tập kích bằng đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, như: Máy bay B-52, bom điều khiển, máy tạo nhiễu… Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo cùng ý chí, quyết tâm, quân và dân miền Bắc chẳng những không bất ngờ, bị động trước đòn đánh phá ồ ạt của đế quốc Mỹ, mà còn chủ động, tự tin, từng bước đánh bại nỗ lực quân sự cuối cùng của chúng. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không quân Mỹ, đặc biệt là không quân chiến lược, đã phải chịu đòn đau, uy thế của không lực Hoa Kỳ đã bị giáng đòn chí tử. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa bao giờ máy bay ném bom chiến lược B-52 bị bắn rơi. Lưới lửa phòng không nhân dân rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, kết hợp cả vũ khí, khí tài hiện đại với súng bộ binh, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, với radar, tên lửa, máy bay, pháo phòng không các cỡ, đã làm nên chiến thắng.

Sau 2 đợt tập kích, lực lượng không quân Mỹ bị tổn thất nghiêm trọng nhưng không đạt mục đích đề ra. Kết quả, trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4D, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53 và 1 máy bay không người lái, bắt nhiều phi công Mỹ 6. Quá trình chỉ đạo, tổ chức và điều hành quân và dân miền Bắc trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chẳng những phản ánh đầy đủ tài thao lược của đội ngũ chỉ huy cấp chiến lược mà còn đánh dấu sự trưởng thành của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong cuộc đọ sức với cường quốc tư bản số một thế giới.

Cuộc đấu trí, đấu lực giữa sức mạnh vật chất và kỹ thuật quân sự vượt trội mà đế quốc Mỹ sử dụng với quy mô lớn có tính chất hủy diệt, cuối cùng đã thất bại trước quyết tâm chiến đấu, dũng cảm, kiên cường, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thêm một lần nữa cho thấy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời, biểu trưng cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song âm hưởng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi còn vang vọng trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

_____________________________

1. Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Từ Xuân - Hè năm 1972 đến Điện Biên Phủ trên không - Qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 385 - 386.

2. Bộ Quốc phòng - Cục Khoa học quân sự, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, CD phiên bản 1.0, năm 2015, mục từ: Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng.

3. Nguồn sức mạnh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992, tr.119.

4. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh, biên niên sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203.

5. Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập VIII (1972), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 461.

6. Bộ Quốc phòng, Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.246.

Nguyên Vũ