Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số Việt Nam
Ngày 17/12, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức “Hội thảo Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin” (REV-ECIT).
REV-ECIT là Hội thảo Khoa học Quốc gia thường niên do REV chủ trì. Chương trình Hội thảo bao gồm các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin. Ngoài các phiên kỹ thuật, Hội thảo REV-ECIT năm 2022 sẽ tổ chức một Diễn đàn trao đổi về Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc Chuyển đổi số Việt Nam.
REV-ECIT đã được khẳng định vị thế là một trong những sự kiện khoa học thường niên lớn nhất trong lĩnh vực Điện tử, truyền thông, có bề dày lịch sử trên 30 năm với mục đích nhằm tập hợp và công bố các báo cáo, các công trình khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin tại Việt Nam
Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết, REV-ECIT 2022 nhận được 130 báo cáo và công trình khoa học của 408 tác giả đến từ 11 quốc gia, đề cập đến các vấn đề chính yếu của lĩnh vực Điện tử - Truyền thông.
“REV-ECIT năm nay, hướng tới chiến lược chung của Chính phủ, Hội đã đặt ra chủ đề “ Hạ tầng số - chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số quốc gia”, Ban tổ chức và Ban chương trình của sự kiện đã nhận được 96 công trình khoa học đến từ 64 trường Đại học, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc với sự tham gia của hơn 150 phản biện, Ban tổ chức đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu để trình bày và đăng trên kỷ yếu”, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho hay.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục tần số cho biết, năm 2023 Hội tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Hội; đặc biệt cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban thường vụ, các Ban chức năng.
Để nâng cao hơn nữa vị thế của Hội, ngoài công tác học thuật, Hội cần mở rộng sang các lĩnh vực hoạt động mang tính xã hội để thu hút các doanh nghiệp điện tử, Phát thanh - truyền hình tham gia.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy các hoạt động khoa học công nghệ mang tính học thuật cao, bám sát sự phát triển khoa học công nghệ về điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, thông qua việc tổ chức Hội nghị quốc tế hàng năm, các hội thảo chuyên ngành và xuất bản tạp chí chất lượng cao bằng tiếng Anh.