Việt Nam cần làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô?
Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế.
Ngày 17/12, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”. Tới dự Diễn đàn có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phát biểu tại Diễn đàn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều từ hậu quả của đại dịch Covid-19; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia; các vấn đề an ninh phi truyền thống và biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt.
Song trong bối cảnh đó, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2022, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa hợp tác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
Bên cạnh những kết quả khả quan trong năm 2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn thách thức cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc nền kinh tế trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua và tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo ông Trần Tuấn Anh, sau thời gian 2 năm (2020-2021) tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%.
Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí. Tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Hiện nay, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên chỉ đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm. Cùng với đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, nững bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế”, ông Trấn Tuấn Anh nêu vấn đề và cho rằng, nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Từ đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, tập trung phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới. Bên cạnh đó, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế.
Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.
Đồng thời, dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn, nhấn mạnh tình hình kinh tế xã hội nước ta trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động nên cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Ông Hải lưu ý, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản để điều hành đồng bộ, phù hợp. Điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế xã hội của đất nước; biên độ, thời gian điều chỉnh phải tính toán, dự báo phù hợp, có tầm nhìn, không gây sốc cho nền kinh tế; bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; ổn định và phát triển thị trường lao động
“Kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong điều kiện áp lực lạm phát dai dẳng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới; lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao; có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản suất và đời sống nhân dân đặc biệt là điện, xăng, dầu”, ông Hải bày tỏ, và yêu cầu xử lý dứt điểm các yếu kém, điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm công, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm; giải quyết dứt điểm tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục, tình trạng chuyển dịch lao động có chất lượng từ khu vực công sang khu vực tư.