Bảo đảm quyền doanh nghiệp, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài
Để bảo hộ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đã ban hành các quy định hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp (DN), trong đó có Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Doanh nghiệp, NLĐ nói gì về vai trò của quỹ?
Đề cập đến vai trò của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, ông Ngô Bá Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu khẳng định, hàng năm số tiền mà DN phải đóng quỹ rất nhỏ (theo quy định cũ đóng theo tổng thu hiện quy định mới theo Quyết định 40 là 150.000 đồng/lao động) song nếu xảy ra những rủi ro không đáng có, DN được hỗ trợ khá nhiều. Sự hỗ trợ không chỉ về kinh tế mà còn cả sự hỗ trợ về pháp lý cũng như tìm hướng phát triển thị trường.
“Năm 2014 lúc đó thị trường chủ lực của công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là Ả-rập-xê-út nhưng không may gặp phải đối tác làm ăn thua lỗ, phá sản. Về phía Năm Châu có tới 60 lao động, để bảo vệ cũng như đòi quyền lợi cho NLĐ chúng tôi đã mất gần 2 năm để xử lý. Trong suốt quá trình giải quyết để đòi quyền lợi cho NLĐ, công ty đã nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng đặc biệt còn được Quỹ việc làm ngoài nước thanh toán cho chi phí lên tới gần 500 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, chúng tôi đã đảm bảo quyền lợi cho NLĐ 1 cách tối đa nhất còn phía công ty cũng giảm gánh nặng về chi phí trong quá trình giải quyết vụ việc”, ông Ngô Bá Quyết chia sẻ.
Cũng theo ông Quyết, hiện nay dù cơ chế, chính sách đã mở song việc khai thác thị trường lao động nhất là ở những thị trường mới, tiềm năng lại không hề đơn giản. Do vậy, với mức đóng góp Quỹ 150.000 đồng/NLĐ/hợp đồng DN được hỗ trợ khai thác, phát triển và ổn định thị trường lao động ngoài nước sẽ rất có ý nghĩa với DN.
“Theo Quyết định 40 có rất nhiều mức hỗ trợ, mức hỗ trợ đều tăng hơn so với quy định cũ. Đơn cử như nếu trước đây, một lao động không may gặp rủi ro, tử vong thì chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng, thì nay hỗ trợ tăng lên tới 40 triệu đồng. Tương tự các trường hợp lao động không may gặp tai nạn, rủi do khác, mức hỗ trợ cũng tăng lên. Đặc biệt, theo Quyết định 40, lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về còn được hỗ trợ đào tạo và tìm kiếm việc làm. Đây là quy định rất có ý nghĩa nhất là với những lao động phổ thông sau khi về nước việc tìm kiếm việc làm rất khó khăn”, ông Quyết nhấn mạnh.
Tương tự đánh giá về ưu việt đem lại cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài, chị Lý Thị Thu, đang học tiếng để đi làm việc ở Nhật chia sẻ: theo Điều 8, Quyết định 40, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng. Thực tế, số tiền đóng góp này rất thấp, nhưng nếu không may gặp rủi ro lao động có thể được nhận số tiền lớn hơn gấp trăm lần. Đặc biệt, khi trở về nước còn được hỗ trợ học nghề để tìm công việc mới. Với chính sách hỗ trợ này sẽ giúp NLĐ yên tâm tìm kiếm việc làm khi trở về nước.
Cũng theo chị Thu, dù quy định cũng như chính sách hỗ trợ từ Quỹ việc làm ngoài nước có từ rất lâu nhưng đến nay rất ít NLĐ biết đến những quy định, chính sách của Quỹ việc làm ngoài nước. “Đa phần NLĐ đều không để ý đến quyền lợi của mình được hưởng khi tham gia Quỹ, chỉ có số ít NLĐ biết đến Quỹ khi xảy ra rủi ro, tranh chấp”, chị Thu chia sẻ.
Nhiều chính sách hỗ trợ lao động nghèo đi XKLĐ
Cùng với Quyết định 40, năm 2022 nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục được ban hành.
Đơn cử, ngày 6/9/2022, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thông tư này nêu rõ, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi nước ngoài làm việc được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp khi tuyển chọn lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với các cơ sở dạy nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản); hỗ trợ cho các Trung tâm dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động là người dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích các đơn vị tham gia hoạt động này.