Hàng Tết - Không lo thiếu, chỉ sợ giả
Hiện các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Năm nay hàng hóa tết được các doanh nghiệp chuẩn bị tương đối dồi dào, giá cả tăng nhẹ nhưng với nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu, kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý. Dù vậy, “đến hẹn lại lên” cứ tới cuối năm người tiêu dùng lại lo hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan. Cùng với sự nỗ lực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm ở nhà cung cấp uy tín.
Đảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường
Thời điểm này công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đã sẵn sàng bởi Tết Nguyên đán năm nay rất gần Tết Dương lịch, chỉ cách nhau 20 ngày. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Do đó, thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sẽ sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính, dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Về mức giá, do nguyên liệu đầu vào tăng nên giá hàng thiết yếu được dự báo tăng nhẹ so với năm trước.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, thành phố đã chủ động liên kết trên toàn quốc, phối hợp với các địa phương đưa hàng hóa về phục vụ người dân Thủ đô, bảo đảm cân đối cung cầu. Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai 10 kế hoạch về bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường. Cụ thể tính toán dự trữ 11 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: Hơn 90 nghìn tấn gạo, khoảng 58 nghìn tấn thịt lợn, 20 nghìn tấn thịt gà, 387 triệu quả trứng gia cầm và 323 nghìn tấn rau, củ, quả các loại... Ngoài ra, Sở đề nghị thành phố cho phép 141 xe chở hàng và 100 xe chở xăng dầu của doanh nghiệp được phép lưu thông 24/24 giờ dịp trước, trong và sau tết, sẵn sàng điều tiết khi thiếu hàng hóa cục bộ.
Ở phía Nam, ông Ngô Hồng Y - đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay, nguồn cung qua kênh chợ đầu mối, chợ truyền thống khoảng 50-60%, hệ thống phân phối siêu thị khoảng 15-20%, còn lại qua các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường là 73 đơn vị, với nguồn vốn chuẩn bị cho nguồn hàng khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự báo, nhu cầu hàng hóa tết tăng 2-3 lần, vì vậy, ngành Công Thương tích cực tìm kiếm nguồn hàng, đảm bảo tiêu thụ của thành phố. Để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. TPHCM đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.
Để chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, phối hợp các Sở Tài chính triển khai biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bình ổn giá hàng thiết yếu phục vụ tết.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, tổng sản lượng lúa gạo cả nước năm 2022 đạt hơn 43 triệu tấn, sản lượng rau các loại đạt khoảng 19 triệu tấn. Về chăn nuôi, ước tính đến hết tháng 12, tổng sản lượng thịt các loại sẽ đạt gần 7 triệu tấn, tăng gần 4%; sữa tươi đạt khoảng 11,6 triệu tấn, tăng 8,3%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 4,6%;... so với cùng kỳ. Với nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng từ 8-10% trong dịp tết năm nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Chỉ mong… có khách
Các sản phẩm phục vụ cho mùa tết cũng bắt đầu được trưng bày tại MM Mega Market để người dân linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm, không để bị dồn vào những ngày cận tết. “Để chuẩn bị cho dịp Tết Quý Mão 2023, chúng tôi lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% so với tết 2022 và 40 - 50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%”, đại diện MM Mega Market thông tin.
Năm nay, sắm tết sớm hơn mọi năm tại MM Mega Market, bà Nguyễn Vân Hạnh (62 tuổi) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Tại siêu thị các mặt hàng tết phong phú, giá cả phải chăng. Nhiều mặt hàng khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, vì thế sau 2 năm dịch bệnh, năm nay các con tôi từ nước ngoài về ăn tết nên tôi phải chuẩn bị từ bây giờ và sẽ mua nhiều hơn. Ngoài mua hàng tết, tôi sẽ mua một số đồ may mặc.
Tương tự, chị Bùi Ngọc Linh, từ Hòa Bình về Hà Nội ngày cuối tuần để sắm tết. Chị Linh cho biết tiện đi thăm một người bạn nên chị ghé siêu thị Vinmart tại quận Cầu Giấy sắm tết. Theo chị Linh hàng tết dồi dào, có nhiều sự lựa chọn. Dịp này chị Linh mua sắm nhiều đồ gia dụng cho gia đình và người thân vì mặt hàng này được được khuyến mại, giảm từ 30 - 40%. Tuy nhiên, mối lo hàng giả, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm mỗi khi tết về vẫn thường trực. Anh Nguyễn Văn Tuấn, quận Đống Đa bày tỏ mong muốn lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn với những hành vi vi phạm.
Mới đây, tại hội nghị công tác chuẩn bị tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Với nhiều phương án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các bộ, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết năm nay sẽ cơ bản được cung ứng đầy đủ với giá cả bình ổn. Đặc biệt, với hàng loạt các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, người dân khu vực vùng sâu, vùng xa và công nhân, lao động các khu công nghiệp có thể yên tâm mua sắm để đón năm mới được đủ đầy, sung túc, không lo về giá.
Dịp này, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng tết từ cách đây 3 tháng, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến. Nguồn hàng dồi dào và đa dạng, nhiều siêu thị chỉ mong có khách để bán ra.
Đồng thời các nhà bán lẻ cũng cam kết kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng giả, hàng nhái chen chân vào siêu thị. Tuy nhiên, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống là vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người tiêu dùng sau đại dịch, ứng phó với việc giá cả tăng đột biến, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc (đơn vị quản lý chuỗi Co.op Mart) cho hay đã lên kế hoạch làm việc với nhiều nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung ổn định. Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10-15% được tập trung tại 7 kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho là 10.000 tỷ đồng. Dịp này, hệ thống Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng, được thực hiện dài hơi từ nay đến ngày 21/1/2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành. Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.
Về tình hình kiểm soát giá, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, mặt bằng giá cả của Việt Nam hiện nay đang được kiểm soát, việc điều hành đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, giá xăng dầu sát với tình hình thế giới, có giảm hơn. Các mặt hàng thiết yếu có nguồn cung dồi dào, ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tập trung chống hàng giả, hàng lậu
Dù nguồn cung dồi dào, nhưng cứ tới cuối năm người tiêu dùng lại lo hàng kém chất lượng, hàng giả hàng nhái. Thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện trên 100.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; trong đó số vụ buôn lậu hàng cấm chiếm khoảng gần 15.000 vụ, thu nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng... Riêng với quản lý thị trường, trong 11 tháng năm 2022, toàn lực lượng đã xử lý trên dưới 30.000 vụ việc vi phạm.
Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán tới gần, độ nóng của “chảo lửa” này lại tăng thêm nhiệt. Mấy ngày qua, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang "TRANG NEMO STYLE" tại quận 1, TPHCM và phát hiện, thu giữ rất nhiều sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép... có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng. Chiều ngày 2/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trên phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và phát hiện, thu giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang bày bán tại cơ sở và trên các trang mạng xã hội. Cũng mới đây, Đội Quản lý thị trường số 20 (Cục Quản lý thị trường) Hà Nội qua kiểm tra kho đông lạnh tại KCN Cầu Gáo (Đan Phượng) đã phát hiện 3 tấn chân gà đông lạnh không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của lô hàng này… Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nhằm chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán rất gần nhau, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân cũng tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, Tổng Cục trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.
Bên cạnh đó, đối với các tỉnh có đường biên giới, ông Trần Hữu Linh yêu cầu, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an để nắm bắt, kiểm soát thị trường. Đồng thời, qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm thương mại khi hàng hóa vận chuyển từ khu vực biên giới vào nội địa. “Thời điểm cuối năm, Tết 2023 đã cận kề, cùng với sự nỗ lực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; người tiêu dùng cũng cần phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương): Thương mại điện tử kích cầu tiêu dùng
Thương mại điện tử sẽ được ngành Công Thương đẩy mạnh tại các tỉnh, thành, các hiệp hội ngành hàng trong dịp cuối năm 2022, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo chủ trương của Chính phủ. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp địa phương có thêm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử, mở rộng thị trường cũng như được tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm qua môi trường trực tuyến…
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam: Đảm bảo giá cả trước và trong dịp Tết sẽ ổn định
Hệ thống siêu thị Big C/Go đang tập trung nguồn hàng mùa vụ Tết 2023 đa dạng với mức tăng trưởng cao từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các nhóm mặt hàng phi thực phẩm như: gia dụng, dệt may dự trữ tăng khoảng 20%; các mặt hàng thực phẩm tết tập trung cung ứng trong hai tuần cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, gồm các sản phẩm như: bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây... Bên cạnh đó, hệ thống Big C/Go sẽ tung ra chương trình khuyến mại từ 30 - 50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp tết. Đồng thời, tăng thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ người dân mua sắm.
Nguồn hàng dồi dào nên người dân hoàn toàn yên tâm bởi giá cả trước và trong dịp tết sẽ ổn định. Chúng tôi cũng lên kế hoạch thỏa thuận với các nhà cung cấp cố gắng cung ứng đủ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tối đa tình trạng giá cả những mặt hàng này thường tăng giá đột biến sau tết do nguồn cung ít.