Mùa Giáng sinh khác biệt ở châu Âu
Chuẩn bị Giáng sinh và bước vào năm mới 2023, các thành phố châu Âu đang cố gắng hết sức để giữ tinh thần lễ hội trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền cũng như đa số người dân đều muốn quên đi những khó khăn đang gặp phải, đều cùng mong muốn có được những ngày xả hơi đúng nghĩa. “Cho dù người ta có thể thay thế sân trượt băng bằng sân trượt patin và hạn chế bật đèn, thì cũng không vì thế mà niềm vui biến mất” - Marine Loff, sinh viên Paris nói.
Trước đêm Noel 10 ngày, chính quyền thành phố Tours (phía tây nước Pháp) cho biết sẽ thay thế sân băng Giáng sinh ngoài trời bằng trò trượt patin. Phó thị trưởng phụ trách năng lượng và môi trường Martin Cohen cho biết: "Việc chi trả quá nhiều tiền như vậy để duy trì sân băng là lãng phí, dù cho có sắp đến Giáng sinh đi nữa". Vẫn theo ông Cohen, với tình trạng nóng lên toàn cầu, các đô thị ở Pháp phải chấp nhận rằng Giáng sinh không còn là hình ảnh của tuyết, băng và những cây thông Noel to lớn. “Chúng tôi sẽ duy trì những gì có thể nhưng nhìn chung một số yếu tố sẽ phải thay đổi".
Mọi người đều muốn có điều kỳ diệu
Trong khi đó, thành phố Mulhouse ở miền đông nước Pháp đã thực hiện chỉ thị của chính phủ về việc giảm tiêu thụ năng lượng để tránh mất điện trong mùa đông này. Trước đây, cây thông Noel của thành phố từng được thắp sáng hàng ngày từ 10 giờ sáng và xuyên đêm để tạo không khí. Giờ đây, cây thông và đèn Giáng sinh của thành phố sẽ được bắt đầu bật lúc 5 giờ chiều.
Phó Thị trưởng phụ trách thương mại Philippe Trimaille cho biết: "Chính quyền địa phương có nghĩa vụ đảm bảo khoảnh khắc đặc biệt vào dịp Giáng sinh, nhưng chúng tôi cũng đã phải điều chỉnh vì đó là điều bất khả kháng".
Với Strasbourg, được mệnh danh là "thủ đô Giáng sinh" của Pháp, có chợ Giáng sinh lớn nhất nước. Hiện tại tất cả các đèn tại đây đều là đèn LED tiêu thụ điện thấp, số lượng đèn cũng giảm trong năm nay và được bật xen kẽ. Guillaume Libsig - Phó Thị trưởng phụ trách các sự kiện của Strasbourg cho biết: "Mọi người đều muốn có điều kỳ diệu của Giáng sinh, vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất".
Còn tại Đức, các thành phố Regensburg, Munich và Bamberg - nơi chợ Giáng sinh là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch, cũng đã tính đến chuyện rút ngắn thời gian thắp đèn hàng ngày. Mùa bật đèn Giáng sinh ở Bremen thường diễn ra từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 2, năm nay sẽ diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 31/1. Ở Dusseldorf, đèn sẽ bật 5 tiếng mỗi ngày thay vì 15 tiếng.
Cũng tại Đức, nhiều thị trấn đã phải đóng cửa các sân trượt băng. Tuy nhiên, Frank Hakelberg, thuộc Hiệp hội những người làm việc tại hội chợ Đức, cho biết: "Đã có một cuộc tranh luận kéo dài ở Đức về việc có nên tổ chức chợ Giáng sinh trong năm nay hay không. Cuối cùng, chúng tôi đã thắng cuộc tranh luận nhờ chỉ ra rằng mức sử dụng điện bình quân đầu người tại chợ Giáng sinh thấp hơn so với khi mọi người ở nhà. Bởi vậy, theo một cách nào đó, chợ Giáng sinh là nơi tiết kiệm năng lượng".
Theo ông Hakelberg, hầu hết các khu chợ Giáng sinh ở Đức trong nhiều năm đã được thắp sáng bằng đèn LED, loại đèn này cần ít hơn khoảng 90% điện năng so với bóng đèn sợi đốt thông thường. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng nhiều khu chợ năm nay sẽ chỉ bật đèn sau khi màn đêm buông xuống, thay vì ngay từ buổi chiều.
Tại Italy, không khí Giáng sinh và đón năm mới tràn ngập các nẻo đường, nhất là ở Thủ đô Roma. Thủ tướng Giorgia Meloni nói, đây là thời điểm quan trọng bậc nhất trong năm với người Italy. “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để người dân được vui chơi, có thêm năng lượng tinh thần cho cuộc chiến đấu với giá cả sinh hoạt vẫn có thể còn leo thang” - bà Meloni nói.
Tại Thủ đô của Bỉ năm nay đã cho phép mở lại hội chợ Noel kéo dài 5 tuần. Ông Carl De Clercq - Huấn luyện viên câu lạc bộ KVE Drongen, thành phố Bruxelles chia sẻ: "Đó là điều rất đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”. Còn bà Marina Bresciani - Phụ trách sự kiện, Tòa thị chính Bruxelles nói: "Chúng tôi hy vọng và cố gắng sắp đặt để mọi người có những khoảnh khắc vui vẻ trong hội chợ này sau ngần ấy thời gian gò bó. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt dần lên".
Trước khi có đại dịch, mỗi kỳ hội chợ Noel Bruxelles có khoảng 3,5 triệu lượt khách hàng tới vui chơi, mua sắm, hưởng không khí lễ hội cuối năm.
Tiếp tục chống cự với lạm phát
Tới nay, châu Âu đã vào tháng thứ 13 liên tiếp phải chống cự với lạm phát. Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia và Khối sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) bao gồm 19 quốc gia đều phải chấp nhận tăng giá tiêu dùng lên cao gấp hơn 5 lần so với mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Vào tháng cuối cùng của năm 2022, lạm phát khu vực Eurozone tăng lên mức cao kỷ lục 10,7% buộc ECB tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp tăng trưởng kinh tế có nguy cơ sụt giảm mạnh. Theo tờ Financial Times, mức lạm phát nói trên đã vượt qua mức 9,9% ghi nhận trong tháng 9, vốn dĩ đã là mức cao nhất trong 23 năm lịch sử của đồng euro.
Cơ quan thống kê Eurostat của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng những chỉ số cho thấy lạm phát vẫn chưa dừng lại trong tháng 12 và còn có thể vắt sang năm 2023. Chuyên gia kinh tế Claus Vistesen của Pantheon Macroeconomics nói rằng dữ liệu lạm phát mới nhất là “một cơn ác mộng Hallowen đối với ECB”. Trong khi đó, số liệu do Eurostat công bố mới đây cũng cho thấy nền kinh tế khu vực tiếp tục yếu đi. Tổng sản phẩm của EU (GDP) chỉ tăng 0,2% trong quý 3 so với quý 2.
Tiến sĩ Ken Wattret - Trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Âu của S&P Global Market Intelligence, dự báo những trở ngại liên quan đến năng lượng đối với hoạt động kinh tế trong mùa đông sẽ dẫn tới một đợt suy thoái ngắn nhưng sâu. Ông Wattret cho rằng trong đợt suy thoái đó, GDP của khu vực Eurozone sẽ giảm khoảng 1% trong tháng cuối cùng của năm nay và quý đầu tiên của năm tới.
Để trấn an, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde nói rằng ngân hàng Trung ương châu Âu đã “đạt tiến bộ lớn” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nguy cơ xảy ra suy thoái đã hiện rõ hơn. Nói với đài RTE, bà Lagarde nhấn mạnh “chống lạm phát là phương châm, là nhiệm vụ, là sứ mệnh của chúng tôi”.
Tương tự, ông Klaas Knot - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan, thành viên Hội đồng Thống đốc ECB cũng tuyên bố trên truyền hình rằng kể cả khả năng ECB tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp vào tháng 12, thì lạm phát cũng sẽ được kiềm chế và “chúng ta sẽ cùng nhau đón Giáng sinh với không quá nhiều lo lắng”. Ông Knot tin rằng lạm phát lõi, không tính đến giá năng lượng và thực phẩm, ở châu Âu đã được kiểm soát khi mà trong số 19 quốc gia khu vực Eurozone có 11 nước có lạm phát ở mức 2 con số trong tháng 10. Tại 3 nước vùng Baltic, lạm phát giữ trên ngưỡng 20%. Tuy nhiên, lạm phát đã dịu đi ở khoảng một nửa số thành viên của khối.
Giá cả tăng nhưng niềm vui không mất
Ông Gerald De Wouters - người kinh doanh cây thông Noel cho biết: "Như khung cây chẳng hạn, trước có giá 25 euro, giờ đã là hơn 50 euro rồi. Còn nhìn chung, tổng chi phí sản xuất cây thông Noel đã tăng 20%".
Ước tính, khách hàng mua cây thông năm nay sẽ phải trả thêm trung bình 5 euro so với mọi năm. Đắt hơn là thế nhưng cũng chưa chắc đã có cây để mua, bởi tình trạng hạn hán kéo dài suốt mùa hè qua do tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nhiều cây chết vì khô hạn. Hiện Bỉ là quốc gia xuất khẩu cây thông Noel lớn thứ hai tại châu Âu, chỉ sau Đan Mạch.
Trang trại của Lajos Kander ở Tiszaeszlar, miền đông Hungary, nuôi hơn 2.000 con lợn mangalica lông dài - giống lợn truyền thống cho năng suất thịt cao. Gia đình Kander thường trồng ngô và lúa mì và tự làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng hạn hán đã buộc họ phải mua một phần thức ăn chăn nuôi trên thị trường, ông Kander cho biết giá ngô và lúa mì vụ thu đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021.
“Mùa Giáng sinh này đối với chúng tôi là khá khó khăn khi chúng tôi chỉ phải trả 29 forint/KWh điện theo hợp đồng hết hạn vào ngày 31/12, sau đó hóa đơn điện sẽ tăng lên 138 forint/KWh. Trong khi đó, chi phí tiêm phòng hàng năm cho lợn đã tăng gấp 3 lần lên 4,5 triệu forint” - ông Kander nói và cho biết trang trại đã tăng giá khoảng 20 - 25%.
Tại một khu chợ ở Budapest, bà Eva Racz, 75 tuổi, cho biết bà không đủ tiền mua món ăn truyền thống trong dịp Giáng sinh năm nay, như món cá chép. “Đây sẽ là một mùa Giáng sinh ảm đạm vì lương hưu của chúng tôi rất ít ỏi. Chúng tôi còn phải trả tiền điện nước và thuốc men” - bà Racz nói và cho biết bà và chồng sống bằng lương hưu tổng cộng 200.000 forint (khoảng 12 triệu đồng)/tháng. “Chúng tôi sẽ chỉ có canh, bắp cải nhồi, thịt nướng và khoai tây trong dịp Giáng sinh. Tôi cảm thấy rất buồn khi không biết tình trạng này sẽ tiếp diễn trong bao lâu”.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Barometr Providenta cho thấy người Ba Lan sẽ chi trung bình 1.259 zloty (6,7 triệu đồng) vào lễ Giáng sinh năm nay. Gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ sẽ mua các sản phẩm rẻ hơn để giảm chi phí.
Không khí Giáng sinh 2022 đã rộn ràng tại nhiều quốc gia trên thế giới, bất chấp chật vật bởi lạm phát. Tại Thủ đô London của Anh, đèn trang trí đã được thắp lên từ cuối tháng 11 trên con phố mua sắm nổi tiếng Oxford. Đèn sao đã được treo lên nhưng năm nay đèn sẽ không được bật 24/24h như mọi năm. Bà Dee Corsi - Công ty New West End cho biết: "Lần đầu tiên những ngôi sao của chúng tôi sẽ chỉ được thắp sáng từ 3 giờ đến 23 giờ. Chúng tôi ý thức rất rõ về cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay".
Tại Quảng trường St.Peter của Vatican, 1 cây thông cao tới 26 mét và có tuổi đời lên tới 62 năm đã được dựng lên. Cây thông đã ra mắt công chúng và thắp sáng quảng trường từ ngày 3/12 cho đến 8/1 năm sau. Còn tại Mỹ, trang trại Evergreen ở bang Pennsylvannia đã giành chiến thắng trong cuộc thi cây thông Noel toàn quốc. Những cây thông được chọn cho lễ Giáng sinh chính thức tại Nhà Trắng đều là những cây đã được gieo mầm cách đây 20 năm. Thống kê tại 45 sân bay có lượng hành khách đông nhất ở Mỹ, mùa Giáng sinh năm nay giá vé bay nội địa tăng trung bình hơn 100 USD so với năm 2021.