Chia tay Qatar - Chia tay World Cup
Hôm nay, 18/12, khép lại mùa World Cup 2022 với quá nhiều bất ngờ. Tạm biệt nước chủ nhà Qatar, theo phong tục, thay vì bắt tay, người Qatar thường đặt tay phải lên trái tim như một cử chỉ chào hỏi, biểu hiện sự nồng nhiệt.
Cho dù bị loại ngay từ vòng ngoài nhưng nước chủ nhà Qatar cũng vẫn làm du khách bất ngờ bởi sự giàu có. Những con đường, những tòa nhà, những hàng quán và những chiếc xe… đều lộng lẫy. Từ một vùng đất cằn cỗi, vì sao Qatar trở thành đất nước giàu bậc nhất hành tinh? 30 năm, Qatar đã từ một “làng chài” trở thành vương quốc giàu có tột bậc. Nhiều năm qua, Qatar vẫn luôn đứng trong top 5 danh sách quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người. Qatar giàu có hơn cả UAE - đất nước thường được coi như biểu tượng của sự giàu mạnh.
Năm 1971, Qatar giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Vào thời điểm đó, đây là một trong những nền kinh tế nghèo nhất ở Trung Đông, chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp đánh bắt cá. Ít ai có thể ngờ GDP bình quân đầu người của Qatar đã tăng từ 2.755 USD (khoảng 68 triệu đồng) vào năm 1970 lên con số khổng lồ 61.276 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng) vào năm 2021. Tổng tài sản quốc nội của đất nước chỉ vỏn vẹn gần 3 triệu dân là 179,6 tỷ USD.
Hầu hết mọi người tin rằng nguyên nhân thành công kinh tế của họ là do phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nhưng thực tế thì Qatar không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà quan trọng hơn là việc họ biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả. Một ví dụ cụ thể: Khi đối mặt với vấn đề khí đốt khó vận chuyển, người Qatar tự giải quyết bằng cách hóa lỏng chúng đem bán. Đến nay, Qatar có chi phí khai thác và hóa lỏng dầu rẻ nhất thế giới, cho phép họ kiếm được lợi nhuận ngay cả với giá thấp. Hầu hết khí đốt tự nhiên của vương quốc được xuất khẩu sang các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việc có trữ lượng dầu khí lớn không đảm bảo một nền kinh tế giàu có. Các nhà lãnh đạo Qatar biết rằng doanh thu từ dầu mỏ rất dễ biến động, vì vậy họ tiết kiệm số tiền thu được từ khoáng sản rồi đem đi đầu tư khắp thế giới. Cơ quan đầu tư của Qatar là một quỹ do chính phủ thành lập vào năm 2005. Tính đến năm 2022, quỹ đầu tư Qatar có giá trị khổng lồ 360 tỷ USD.
Khi nói về sự phồn vinh của mình hiện nay, người Qatar hay kể về những ngôi làng bị bỏ hoang nằm rải rác trên bờ biển phía tây bắc của đất nước. Trong đó điển hình là làng Al Jumail, ngôi làng nổi tiếng nhất trong số rất nhiều khu định cư nay đã chìm trong cát. Những "ngôi làng ma" ấy thể hiện một Qatar trong quá khứ, nhắc người ta không bao giờ được quên những khổ đau mà phải vươn lên không ngừng.
Trước khi phát hiện ra dầu mỏ và trước khi bị những trận bão cát vùi lấp, người dân nơi đây sống dựa vào biển. Họ sống bằng nghề đánh cá. Nhiều người sống bằng nghề mò ngọc trai nhiều khi phải đánh đổi cả mạng sống. Ahmed Mohammed Srour - một cư dân đang sống cùng gia đình tại Doha, vốn gốc rễ ở làng Al Jumail cho biết: "Chúng tôi làm việc từ sáng cho đến buổi cầu kinh chiều. Chúng tôi không hề nghỉ ngơi hay ngủ trưa, không có bữa sáng hay bữa trưa, chỉ có bữa tối, thường là cơm và cá".
Cái thời nghèo khó, vào mùa đông dân làng Al Jumail phải bỏ nhà để lùa gia súc đến sống trong các ốc đảo. Mùa hè, dưới cái nắng như thiêu đốt, họ trở lại sống trong các ngôi nhà dọc bờ biển để đánh bắt cá, bởi mặt đất chỉ là cát trắng mênh mông...
Al Jumail bắt nguồn từ Arab "jameel", nghĩa là "đẹp". Có lẽ, ngôi làng được đặt tên theo mơ ước của con người hàng ngày phải đối mặt cát sa mạc. Nhưng ngày nay, dù nó không còn tồn tại vì người dân đã chuyển vào các đô thị sinh sống, nhưng nó vẫn rất được tôn trọng vì nhắc nhở người ta rất nhiều điều.