Xóm du mục bên bờ vịnh Hạ Long
Anh Phạm Văn Nhặt từ khi sinh ra đến bây giờ 43 tuổi vẫn sống trong chiếc thuyền, ngày tháng lênh đênh bên bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ngay bản thân anh Nhặt cũng không bao giờ tin nổi mình có thể nuôi 8 đứa con, cùng người vợ và mẹ già trên chiếc thuyền nhỏ này.
Trong “căn nhà di động”
Chiếc thuyền nan – căn nhà di động của gia đình anh Nhặt được đan bằng tre, chiều ngang khoảng 2m, chiều dài 6m. Mặt ngoài chiếc thuyền được phết nhựa đường, khoang giữa được đóng bằng những ván gỗ tạo thành chỗ ăn, chỗ ngủ, mũi và đuôi thuyền căng bạt hay không tùy theo thời tiết. Còn 8 đứa con của anh Nhặt thì mỗi đứa một nơi. Đứa thì theo bố mẹ đi câu ngoài biển xa cả tuần mới về, đứa ở với bà nội, đứa thì ở với bác. Tất cả đều sinh sống trên những chiếc thuyền nan, thường neo đậu ở khu núi gần cảng cá phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 2020 trở về trước, đại gia đình anh Nhặt thường neo đậu thuyền ở khu bến cá cột 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Nhưng kể từ khi có dự án mở rộng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn và xây dựng bãi tắm Hòn Gai, hàng trăm chiếc thuyền nan bị cơ quan chức năng yêu cầu di dời. Cực chẳng đã, họ lại dạt vào những vách núi, 5 - 6 chiếc thuyền neo đậu thành một xóm.
Nhưng thỉnh thoảng, họ lại bị lực lượng chức năng của thành phố phóng xuồng ra yêu cầu di dời, thậm chí bị tịch thu phương tiện, cũng là “căn nhà di động”, vì lệnh cấm neo đậu phương tiện thủy tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long.
Bà Dương Thị Xinh (mẹ của anh Nhặt), nay đã 69 tuổi than thở: “Nhiều lần tôi lên phường đề nghị chính quyền giúp đỡ mẹ con tôi, cho mẹ con tôi có mái nhà che mưa, che nắng ở khu tái định cư làng chài Hà Phong. Nhưng hết lần này đến lần khác, họ cứ xem xét rồi để đó thôi…”
Đầu năm 2014, TP Hạ Long triển khai đồng bộ đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” bằng nguồn ngân sách nhà nước. Dự án này được đánh giá là có tầm chiến lược, tạo cuộc sống có tính bền vững, bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân, giúp trẻ em có điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời giải quyết vấn đề an ninh trật tự, hạn chế tác động tiêu cực tới vịnh Hạ Long, bảo vệ môi trường sinh thái biển…Theo chính sách, các hộ là công dân của TP Hạ Long, có nhà bè neo đậu ổn định trước thời điểm 21/3/2008 và không có nhà ở trên bờ sẽ được bố trí một lô đất tái định cư 80 m² có nhà ở tại khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Những hộ có bè sau ngày này thì được mua 30 - 50% giá tùy từng thời điểm. Thế nhưng thực tế không phải như vậy.
Giấc mơ an cư
Ngoài trường hợp bà Xinh, anh Nhặt, còn hàng chục hộ dân khác dù có đủ điều kiện vẫn chưa thể có được mái nhà theo ước nguyện. Năm nay tròn 50 tuổi, chị Nguyễn Thị Thủy, tiếng là có hộ khẩu thường trú tại phường Hà Phong, nhưng chị vẫn chưa có một nơi an cư. Chị Thủy kể, từ đời bố mẹ cho đến nay đều lênh đênh trên biển, làm chỉ đủ ăn và nuôi các con, không tích lũy được tiền mua đất, xây nhà trên bờ. Chị và chồng là anh Bùi Văn Thanh (sinh năm 1966), trước kia là hàng xóm, cũng là dân vạn chài. Lớn lên, hai người thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, dần cảm mến và nên duyên chồng vợ. Anh chị có 2 người con trai, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh 2003, đứa nào cũng được sinh ra ngay trong chiếc thuyền nan chật hẹp. “Bảo hiểm không có, lấy tiền đâu ra mà đi bệnh viện”, chị Thủy ngại ngùng nói.
Đến nay, con trai lớn của chị Thủy là cháu Bùi Văn Tài đã nghỉ học từ năm lớp 6, theo làm thuê cho một chủ tàu đánh mực. Còn cháu nhỏ Bùi Văn Dũng ở trên thuyền giúp bố trông tàu thuê, hay phụ mẹ chèo đò. “Vợ chồng tôi không biết chữ, cũng không hiểu về chính sách, chỉ thấy 2 lần người ta bảo có đợt xét duyệt trao nhà định cư ở làng chài Hà Phong thì chúng tôi nhờ người viết đơn, chụp ảnh rồi gửi lên phường”, chị Thủy cho biết. Tuy nhiên, cũng như nhiều phận người ở đây, hy vọng có một căn nhà trên đất liền của chị Thủy chưa biết bao giờ mới thành sự thật…
Rồi tới chuyện của những người thân khi ra đi, bà Dương Thị Xinh kể rằng, khoảng 15 năm về trước, những người dân xóm chài không có nhà cứ có người thân mất thì lại mang lên núi chôn cất. Họ tìm được những hòn núi có khoảnh đất nhỏ ngoài vịnh, đào lấp sơ sài rồi đánh dấu điểm chôn cất bằng hòn đá, ghi nhớ hòn núi để tưởng nhớ. Chồng bà Xinh là một trường hợp được chôn cất như vậy. Năm 1999, ông bị sốt xuất huyết rồi mất ngay trên thuyền. Bà Xinh cùng 3 con nhỏ và 2 chiếc thuyền hàng xóm đưa thi thể ông đi trong đêm, đến 3 giờ sáng thì chèo đến một hòn núi để chôn cất.
Từ ngày chính quyền cấm chôn người chết trên các hòn đảo, người khó khăn mấy khi gia đình có người mất cũng phải vay mượn tiền mua được khoảnh đất để chôn. Một kiếp người lênh đênh trên biển, đến khi có mảnh đất trên bờ thì lại là lúc đã nhắm mắt xuôi tay.