Đường đến ước mơ của những tấm gương hiếu học

Phạm Hà 18/12/2022 08:53

Với chủ đề “Đường đến ước mơ”, Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa tổ chức đã tôn vinh 142 cá nhân thuộc 50 dân tộc, đến từ 47 tỉnh, thành phố. Các em đã thể hiện bản lĩnh, khả năng, khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức để góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Học sinh Giàng Nguyễn Khánh Sơn - Dân tộc Mông: Đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế

Em Giàng Nguyễn Khánh Sơn.

Sinh ra tại bản Pá Hốc, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, một bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, gia đình không mấy khá giả, ba đi làm xa, Khánh Sơn ở nhà cùng mẹ. Từ khi học lớp 1, em đã có khả năng ghi nhớ, đếm và giải rất nhanh các bài toán. Đặc biệt, em còn yêu thích môn tiếng Anh.

Sinh năm 2005, hiện là học sinh lớp 7A5, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La, Giàng Nguyễn Khánh Sơn đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc tại nhiều kỳ thi trong nước và quốc tế. Với niềm đam mê hai môn học Toán và tiếng Anh, Khánh Sơn đã chủ động tìm kiếm và tham gia các cuộc thi như: Thách thức tài năng toán học Singapore (SIMOC), Olympic Toán Singapore và Châu Á (SASMO), Đấu trường toán học Châu Á (AIMO), Thách thức tư duy thuật toán (Bebras), Olympic toán quốc tế TIMO, Giao lưu tài năng trẻ cấp THCS, Violympic, IOE,... Các thành tích em đạt được thật đáng nể. Với các cuộc thi trong nước, em đã giành được: 4 giải vàng, 1 giải nhì, 1 giải ba cấp thành phố; đạt 4 giải vàng cấp tỉnh; đạt 1 huy chương đồng cấp quốc gia. Tại các cuộc thi quốc tế: Đạt 7 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 3 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích, cùng với 3 triệu đồng học bổng và 6 tháng học online.

Số huy chương và giải thưởng em đạt được là cả một sự cố gắng được vun đắp qua từng ngày. Từ kiến thức được thầy cô truyền dạy, Khánh Sơn tự mày mò học hỏi thêm trên internet. Em có kỹ năng tìm kiếm và chắt lọc thông tin từ Google, Youtube một các hiệu quả. Em quan niệm, việc tìm hiểu các kiến thức mới như một sự giải trí. Đạt được nhiều thành tích cao nhưng Giàng Nguyễn Khánh Sơn luôn tự nhủ với bản thân phải học tập thật tốt để nâng cao kiến thức, để sau này góp phần xây dựng quê hương.

Sinh viên Dương Thị Linh - Dân tộc Sán Dìu: Không ngừng học tập để có tương lai tốt đẹp

Em Dương Thị Linh.

Ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ngôi nhà nhỏ 6 thành viên là gia đình của tân sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Thương mại – Dương Thị Linh. Với kết quả khá cao em đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia, Linh là người đầu tiên trong dòng họ học đại học. Chia sẻ về quãng thời gian học tập trước đó, Linh cho biết em học cấp 3 tại Trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang. Điều kiện kinh tế gia đình có nhiều khó khăn, bố làm nghề thợ xây, mẹ ở nhà chăm lo vườn tược để lo cho 4 chị em. Mặc dù thuộc diện người DTTS hộ cận nghèo, cuộc sống chưa bao giờ khá giả nhưng chưa một ngày em thôi cố gắng. Hoàn cảnh gia đình tuy không tốt nhưng luôn tràn ngập niềm vui đã tạo cho em động lực để học tập. Trong suy nghĩ của Linh chỉ có duy nhất một con đường để đền đáp công ơn của bố mẹ đó là học tập thật tốt.

“Chỉ có học mới giúp cho em có một công việc ổn định, một tương lai tốt đẹp hơn. Từ nhỏ em vẫn luôn cố gắng trở nên thật giỏi, không ngừng học hỏi để bản thân mình hoàn thiện hơn từng ngày. Chính từ cuộc sống có phần khó khăn của gia đình em đã biến nó thành động lực của mình để ra sức học tập. Và thật may mắn khi những nỗ lực của em hiện diện trên những thành tích nhỏ mà em đạt được”, Dương Thị Linh chia sẻ.

Khi thi đỗ vào Trường Đại học Thương mại, em mong có thể đem kiến thức mình học được để trở về phục vụ quê hương. Trên mảnh đất Lục Ngạn nổi tiếng với trái vải thiều, Linh nhìn thấy giá bán vải thiều hiện nay còn nhiều biến động. “Hy vọng rằng một ngày không xa, với ngành học của mình, em sẽ giúp cho trái vải thiều quê hương được xuất khẩu đến nhiều quốc gia hơn nữa, để người dân quê vơi nỗi lo “được mùa mất giá” mỗi khi mùa vải đến”, Linh nói với ánh mắt tràn đầy hy vọng.

Chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng – Dân tộc Tày: Tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn

Chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng. Ảnh: Hà Quân.

Là một trong những thanh niên tiêu biểu được tuyên dương, chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng thuộc đơn vị Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê hương cách mạng, tinh thần hết mình vì nhân dân luôn cháy trong trái tim người chiến sĩ. Rạng sáng 29/6, trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xảy ra trận mưa lớn làm sạt lở đất đá nhiều tuyến đường. Thời điểm đó tại Trường THPT Lâm Bình bị ngập sâu trong nước lũ. Có nơi bị ngập đến hơn 2m do ở vị trí thấp, nằm sát bờ suối. Lúc ấy, trong ký túc xá của trường có nhiều học sinh ở nội trú đang bị cô lập, nước lũ tiếp tục dâng cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không ứng cứu kịp thời. Khoảng 3h sáng cùng ngày, nhận được tin từ một em học sinh tại khu ký túc xá của trường, mặc dù đang trong thời gian nghỉ phép, binh nhì Quan Ngọc Hoàng vẫn di chuyển qua nhiều khu vực sạt lở, bơi qua dòng nước chảy xiết, khẩn trương tiếp cận hiện trường.

Với tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn, tư duy nhạy bén và bằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng được huấn luyện chuyên nghiệp, cùng các lực lượng tại chỗ, Quan Ngọc Hoàng đã kịp thời đưa hơn 100 em học sinh đến nơi an toàn.

Chia sẻ về khoảnh khắc đáng nhớ ấy, Ngọc Hoàng cho biết em rất xúc động và cảm thấy hạnh phúc, tự hào vì bản thân đã cứu được các em. Sau sự kiện đó, Quan Ngọc Hoàng nhận được nhiều lời khen và phần thưởng cho những nỗ lực đã cống hiến. Em vinh dự nhận huy hiệu Tuổi trẻ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Với tuổi đời còn rất trẻ, Quan Ngọc Hoàng mong muốn tiếp tục được cống hiến cho quê hương, đất nước. Tiếp tục học tập, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ sự bình yên cho địa bàn, bảo vệ người dân là mục tiêu phấn đấu của em trên chặng đường dài.

Phạm Hà