Tại sao một quốc gia ‘nhỏ bé’ như Croatia lại thành công ở World Cup?
Dù chưa thể chạm tay vào cúp vàng, nhưng ba lần đứng trong top 3 World Cup (1998, 2018, 2022) là thành tích đáng nể với tuyển Croatia.
FIFA có 211 thành viên, việc giành vé dự World Cup là giấc mơ của rất nhiều quốc gia, chưa nói đến việc giành huy chương. Vậy mà một đất nước “nhỏ bé” như Croatia đã làm được điều đó đến 3 lần, kể từ năm 1998.
Thể thao là số 1
Đêm qua, Croatia đã giành chiến thắng 2-1 trước Morocco trong trận tranh Huy chương đồng World Cup 2022, nhờ hai bàn thắng đẹp của Josko Gvardiol và Mislav Orsic. Trung vệ 20 tuổi Gvardiol trở thành người ghi bàn trẻ nhất trong lịch sử Croatia tại đấu trường World Cup.
Phút thứ 7, từ quả đá gần giữa sân, bóng được treo vào vòng cấm. Ivan Perisic đánh đầu ngược, kiến tạo cho Gvardiol bay người không chiến dũng mãnh, kết thúc hoàn hảo pha phối hợp thông minh, bài bản đã được tập luyện nhuần nhuyễn.
Chỉ 2 phút sau bàn thắng, Croatia để Morocco gỡ hòa, cũng từ một tình huống đánh đầu của Achraf Dari. Tuy nhiên, tỷ số 2-1 được ấn định ngay trong hiệp 1. Phút 42, Mislav Orsic cứa lòng đẳng cấp từ bên cánh trái, tạo thành siêu phẩm khó tin.
Bàn thắng ở vị trí không tưởng của Orsic phản ánh chân thật nhất hình ảnh bóng đá Croatia: luôn gặt hái thành công không tưởng.
Croatia là quốc gia “nhỏ bé” ở châu Âu, với diện tích lãnh thổ 56.000 km2, so sánh với 446.000 km2 của Morocco. Dân số Croatia chỉ 3,87 triệu người, trong khi Morocco là 37 triệu người, chưa kể hơn 5 triệu người di cư sống rải rác khắp thế giới.
Tuy nhiên, trong 31 năm ngắn ngủi kể từ khi Croatia giành được độc lập, họ đã 3 lần bước lên bục vinh quang tại World Cup, lần lượt là hạng 3 năm 1998, á quân 2018 và hạng 3 năm 2022. Vị trí thứ 4 Morocco đạt được đã là thành tích tốt nhất của các đội bóng châu Phi và các nước Ả Rập.
Croatia là quốc gia yêu thể thao. Bóng đá không phải thế mạnh lớn nhất của họ. Đội tuyển bóng nước Croatia hiện xếp top 5 thế giới, từng giành 8 huy chương vàng/chức vô địch ở tất cả các giải đấu lớn: Olympic, Cúp vô địch thế giới, vô địch châu Âu… Trên khán đài tại Qatar, cổ động viên Croatia vẫn thường xuyên đội chiếc mũ 2 quai cầu thủ bóng nước hay đeo, với hy vọng Modric và các đồng đội thi đấu tốt.
Người Croatia nhìn chung am hiểu thể thao và theo đuổi đam mê của họ. Nhiều cầu thủ bóng đá, trong đó có Perisic từng chơi bóng rổ, bóng chuyền… Và chính như ngôi sao Tottenham khẳng định, người Croatia có năng khiếu bẩm sinh với những môn thể thao liên quan đến trái bóng.
“La Masia” của bóng đá Croatia
Tại châu Âu những năm gần đây, thậm chí tính trên bình diện bóng đá thế giới, không một lò đào tạo trẻ nào sánh được với La Masia của Barcelona. Đây là nơi đào tạo nên những tên tuổi lớn giúp Barcelona thống trị La Liga và Champions League, đồng thời giúp tuyển Tây Ban Nha giành chức vô địch Euro 2008, 2012 và World Cup 2010.
Nổi bật nhất qua các thời kỳ ở La Masia là lứa thế hệ vàng Xavi, Iniesta, Puyol, Busquets, Pique, Fabregas, Pedro và biểu tượng Lionel Messi.
Dù không đạt tới tầm cỡ như thế hệ vàng La Masia, nhưng Croatia cũng có một lò đào tạo trẻ cho “ra lò” những tài năng qua nhiều thế hệ, được coi như “kho vũ khí” quốc gia.
Năm 2006, cậu bé 11 tuổi Livakovic cổ vũ Croatia trên khán đài; Modric chơi trận World Cup đầu tiên. 16 năm sau, anh trở thành người hùng đưa đội nhà vào bán kết (đẩy 4 quả luân lưu 11m của Nhật Bản, Brazil), còn Modric đã là đội trưởng của anh. Điểm chung của hai tài năng này, cũng giống như phần lớn tuyển thủ Croatia khác, đều trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Dinamo Zagreb.
Livakovic đã chơi cho Dinamo Zagreb 7 năm qua. Trung vệ 28 tuổi Bruno Petkovic, người đã ghi bàn thắng quan trọng vào lưới Brazil, cũng đã có 4 năm thi đấu cho Dinamo Zagreb sau quãng thời gian không thành công ở Serie A.
Tìm hiểu sâu hơn, 18/26 cầu thủ Croatia tham dự World Cup 2022 có gốc gác Dinamo Zagreb. 8/11 cầu thủ đá chính của đội bóng áo ca-rô đã hoặc đang chơi cho Dinamo Zagreb: Modric, Brozovic, Sosa, Livakovic, Lovren, Gvardio, Kramaric và Kovacic.
Ngược về quá khứ, có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng trong lịch sử bóng đá Croatia như Davor Suker, Boban, Mandzukic… trưởng thành từ Dinamo Zagreb. Hơn 20 năm qua, công tác đào tạo trẻ và cung ứng tài năng bóng đá Croatia chủ yếu dựa vào CLB này.
Từ đầu những năm 1990, khi các quốc gia thành viên của Nam Tư lần lượt tuyên bố độc lập, Dinamo Zagreb gần như là biểu tượng của bóng đá Croatia. Dinamo Zagreb không chỉ giành tới 24/31 danh hiệu vô địch quốc gia Croatia, ngay cả lứa U-17 và U-19 của câu lạc bộ cũng đã giành 26 chức vô địch giải trẻ.
Kể từ đầu thiên niên kỷ, lò đào tạo trẻ của Dinamo Zagreb đã nổi lên khắp châu Âu. Năm 2011, họ được UEFA trao danh hiệu "Học viện đào tạo trẻ tốt nhất châu Âu" cùng với Barcelona, Inter Milan, Sporting Lisbon, Ajax và Arsenal.
Dinamo Zagreb được chính phủ hậu thuẫn, cung cấp miễn phí cho các cầu thủ trẻ hàng loạt dịch vụ, chu cấp tổng hợp bao gồm thực phẩm, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại và giáo dục. Trong 5 năm từ 2008 đến 2013, CLB đã giới thiệu một "thế hệ vàng" khác, hầu hết đang là chủ lực của tuyển quốc gia Croatia. Dinamo Zagreb đã kiếm lời hơn 50 triệu euro nhờ bán lại họ khi đó, gồm 3 tiền vệ hiện tại là Modric, Brozovic và Kovacic.
Thành công của Dinamo Zagreb khiến nhiều ngôi sao trẻ ở các lò đào tạo khác chú ý. Thậm chí, họ đã thành công chiêu mộ Dani Olmo từ La Masia năm 2014. Vài tháng sau, anh ra mắt đội một khi chưa đủ 17 tuổi. 5 năm sau, Dinamo bán Olmo cho Leipzig với giá 30 triệu euro. Hiện tại, Olmo đang là cầu thủ trụ cột của tuyển Tây Ban Nha.
“Olmo là “cái tát” thẳng vào mặt của La Masia và Barcelona. Giờ đây họ phải học hỏi chúng tôi”, cựu giám đốc điều hành Dinamo Zagreb, ông Jozak tự hào khi nhắc lại thương vụ trên. Và có lẽ, đó không phải cú sốc cuối cùng mà Dinamo Zagreb thực hiện.