Bệnh viện Bạch Mai: Vi phạm của bác sĩ Cù Trung Kiên là sự việc đáng tiếc
Sau nội dung phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết, được Bộ Y tế yêu cầu báo cáo, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá sai sót của bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện là sự việc đáng tiếc, đã được bệnh viện xử lý nghiêm khắc và gửi lời cảm ơn tới Báo Đại Đoàn Kết đã có những phản ánh để bệnh viện xử lý kịp thời.
Văn bản gửi tới Báo Đại Đoàn Kết do Giám đốc Bệnh Viện Bạch Mai – ông Đào Xuân Cơ ký, thể hiện: Sau khi nhận được những phản ánh về công tác khám bệnh, chữa bệnh và kê đơn thuốc của bác sĩ Cù Trung Kiên (bác sĩ thuộc Khoa Ngoại tổng hợp), các bộ phận chuyên môn của bệnh viện đã xem xét và nhận thấy đơn thuốc của bác sĩ Kiên chỉ định cho người bệnh có dấu hiệu vi phạm quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo: Tạm thời đình chỉ công tác khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ Kiên; các đơn vị có liên quan kiểm tra toàn diện việc khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ Kiên, cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh trong toàn bệnh viện; Hội đồng bình bệnh án, bình đơn thuốc cấp bệnh viện (tháng 11/2022) tập trung xem xét đơn thuốc của bác sĩ Kiên đã kê cho người bệnh.
Căn cứ kết luận của Hội đồng bình bệnh án, bình đơn thuốc cấp bệnh viện và đề xuất của các đơn vị có liên quan, Hội đồng kỷ luật bệnh viện quyết định: Xử lý kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với bác sĩ Cù Trung Kiên (bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp) có hành vi vi phạm quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Kèm theo hình thức xử phạt bổ sung: Cắt toàn bộ các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong năm 2022; cắt thu nhập tăng thêm 6 tháng nộp về bệnh viện; dừng tham gia hoạt động chuyên môn tại khoa Ngoại tổng hợp để học tập nâng cao kiến thức về văn bản pháp quy liên quan đến chuyên môn, quy trình khám chữa bệnh, dược lâm sàng,… tại phòng Kế hoạch tổng hợp. Sau 6 tháng bệnh viện sẽ thành lập Hội đồng để đánh giá, xem xét cơ hội tiếp tục làm việc tại Bệnh viện.
Bệnh viện Bạch Mai cho rằng vi phạm của bác sĩ Cù Trung Kiên là sự việc đáng tiếc, đã được xử lý nghiêm khắc và cũng đã thông báo trong toàn bệnh viện để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh. Để đánh giá tác động về việc sử dụng thuốc của người bệnh (nếu có), bệnh viện sẽ tiếp tục trao đổi với người bệnh để thống nhất lịch tái khám.
Qua sự việc, Bệnh viện Bạch Mai gửi lời cảm ơn chân thành tới Báo Đại Đoàn Kết với những thông tin được gửi đến, bệnh viện đã kịp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, người dân. Bệnh viện Bạch Mai mong muốn nhận được những phản ánh về bất cập trong hoạt động của bệnh viện từ các cơ quan báo chí, người bệnh, người dân để kịp thời khắc phục, sửa chữa, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan như: Việc sai sót về khám, kê đơn, chỉ định dùng thuốc của bác sĩ Kiên sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân được thể hiện cụ thể như thế nào thông qua Văn bản bình đơn thuốc, bệnh án của Hội đồng bệnh viện; lý do bác sĩ Kiên kê đơn thuốc, chỉ định bệnh nhân tự túc mua thuốc dù thuốc đó có trong danh mục BHYT, thậm chí thuốc đó lại không chỉ định dùng đối với bệnh nhân thận? rút Sonde JJ không phải là chẩn đoán bệnh đã được Hội đồng bệnh viện xác định, nhưng bác sĩ Kiên lại chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm trước khi rút Sonde JJ có ảnh hưởng đến chi phí BHYT và chi phí bệnh nhân phải chi trả như thế nào? Loại thuốc còn lại là Ultracet 37,5 mg/325 mg (ngoài loại thuốc: Ocehepa 3000 mg, không phù hợp với bệnh nhân) có nằm trong danh mục bệnh nhân được hưởng BHYT và có phù hợp với bệnh nhân như thế nào vì chưa được Hội đồng nhắc tới? Phía bệnh viện có kiểm tra, rà soát và kiểm soát lại về việc chỉ định khám, chẩn đoán và kiểm soát về chế độ chi trả BHYT, thuốc BHYT như thế nào để tránh sai sót, thất thoát? Khi bệnh viện mời bệnh nhân xuống khám, đánh giá mức độ ảnh hưởng thì bệnh nhân có phải trả chi phí/chi phí như thế nào?... thì nhận được phản hồi của đại diện Bệnh viện Bạch Mai – bác sĩ Trần Thái Sơn (PTP Kế hoach tổng hợp) cho biết “bệnh nhân tái khám lần tới sẽ được miễn phí”.
Bác sĩ Cù Trung Kiên (Phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai) chẩn đoán, chỉ định và kê đơn thuốc đối với bệnh nhân B.T.D. (66 tuổi TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) mắc các vấn đề về thận. Việc kê đơn loại thuốc: Ocehepa 3000 mg (30 gói, ngày bôi 2 lần, mỗi lần 1); Ultracet 37,5 mg/325 mg (10 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1) của bác sĩ Kiên đối với bệnh nhân D. là sai sót, kéo theo nhiều vấn đề: Việc chẩn đoán là chưa rõ ràng vì “rút Sonde JJ” chỉ là kỹ thuật chứ không phải là một bệnh nên không thể là chẩn đoán và chưa thực sự phù hợp. 3 loại thuốc thì loại thuốc: và thuốc Ultracet 37,5 mg/325 mg là hoàn toàn có thể cấp phát cho bệnh nhân theo BHYT nhưng lại chỉ định bệnh nhân tự túc ra ngoài mua.
Tuy nhiên, trong 3 loại thuốc đó thì còn có loại được xác định chỉ định cho bệnh nhân là không đúng: thuốc Ocehepa 3000 mg là thuốc bổ gan được chỉ định cho bệnh nhân là không phù hợp vì bệnh nhân có suy thận với Creatinin máu là 132 µmol/l, thuốc này lại được chỉ định dùng đường bôi là không phù hợp với thông tin trên sản phẩm và mục đích sử dụng thuốc. Việc chỉ định đơn phải có số lượng thuốc dùng trong ngày, số lượng dùng cho 1 lần và thời gian dùng nhưng đơn thuốc của bác sĩ Kiên kê cho bệnh nhân lại không cụ thể số lượng dùng cho 1 lần và không thể hiện cụ thể hóa thời gian dùng thuốc.