Nam Định: Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên 'mở hội' đón Huân chương
Ngày 18/12, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Xã có xóm thông minh, có tổ công nghệ số cộng đồng...
Thông tin tại buổi lễ cho biết, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết Giao Phong nằm cách trung tâm huyện Giao Thủy khoảng 12 km và nằm giáp thị trấn Quất Lâm, rộng 756,6 ha, có 2.467 hộ, 6.835 nhân khẩu, sinh sống ở 11 xóm. Đảng bộ xã có 380 Đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ.
Hơn 10 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân xã Giao Phong đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là huy động, phát huy công sức, trí tuệ của nhân dân địa phương, con em xa quê, qua đó từng bước đạt các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và đến năm 2022 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn xã "nông thôn mới kiểu mẫu”, là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn này.
Ở thời điểm hiện tại xã có hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… đồng bộ, hiện đại; các hoạt động phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, khai thác, chế biến thủy hải sản, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn xã đều phát triển sôi động; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/năm, xã gần như không còn hộ nghèo; diện mạo nông thôn của xã thay đổi toàn diện, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn được giữ vững.
Thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới của xã Giao Phong, các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đánh giá, xã đã thực hiện đạt 4/4 tiêu chí ở mức độ cao như: thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 78 triệu đồng (cao hơn 6 triệu đồng so với quy định); xây dựng được mô hình thôn xóm thông minh; thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng và đặc biệt đạt được tiêu chí nổi trội về lĩnh vực giáo dục.
Với những kết quả trên, trong những năm qua, xã Giao Phong đã lần lượt được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ Thi đua năm 2021; Bằng Khen năm 2016, 2019; năm 2021 được UBND tỉnh Nam Định tặng cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020; UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen từ năm 2018 đến năm 2021; đặc biệt năm 2022 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân dân xã Giao Phong; trao Bằng công nhận xã Giao Phong đạt chuẩn xã "nông thôn mới kiểu mẫu" năm 2022 tới đại diện Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương.
Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Giao Phong đạt được trong thời gian qua.
“Đây là những phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Giao Phong”, ông nói.
Theo ông Trần Anh Dũng, Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đến nay toàn tỉnh đã có 182/204 (89,2%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
“Quan điểm xuyên suốt của Trung ương cũng như của tỉnh Nam Định xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng”, ông nhấn mạnh.
Hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Giao Thuỷ nói chung, xã Giao Phong nói riêng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo…
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng bền vững. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phát huy vai trò của người dân, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, bảo vệ, làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn.
Đồng thời chỉ đạo Sở NN và PTNT, huyện Giao Thủy và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn xã Giao Phong triển khai các giải pháp nhằm duy trì, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững, nhất là các tiêu chí về môi trường, chuyển đổi số, thôn xóm thông minh, xã thông minh.
Xã Giao Phong tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn bình yên, đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương.
Thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu (sau khi đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao), xã Giao Phong đã huy động tổng cộng gần 197 tỷ đồng để thực hiện.
Trong đó vốn ngân sách tỉnh 3.568 triệu đồng (chiếm 1,81%); ngân sách huyện 14.150 triệu đồng (chiếm 7,19%); ngân sách xã 102.345 triệu đồng (chiếm 52,04%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 14.999 triệu đồng (chiếm 7,63%); vốn huy động từ doanh nghiệp 600 triệu đồng (đầu tư của công ty TNHH 1 thành viên KTCTTL Xuân Thuỷ, chiếm 0,3%); vốn huy động đóng góp, ủng hộ của cộng đồng dân cư (để làm đường, trường, trạm tại các xóm) 6 tỷ đồng (chiếm 3,05%); vốn nhân dân tự nguyện đóng góp, để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi các mô hình sản xuất 50 tỷ đồng (chiếm 25,42%); vốn huy động từ nguồn khác (con em xa quê, từ thiện, ủng hộ,...) 5 tỷ đồng (chiếm 2,54%); ngày công đóng góp lao động 3.000 ngày (tương đương 750 triệu đồng, để làm các công trình của xã, xóm); nhân dân địa phương hiến, góp 10.000 m2 đất để làm các công trình của xã, xóm (trị giá ước gần 50 tỷ đồng).
Trong số nguồn lực huy động được, xã đã đầu tư cho giáo dục gần 35 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hơn 32,5 tỷ đồng; đầu tư gần 15 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hạ tầng đầu mối phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; đầu tư gần 15,5 tỷ đồng xây mới, tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương thuỷ lợi; đầu tư gần 11 tỷ đồng xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất trụ sở làm việc và các công trình phụ trợ UBND xã; đầu tư hơn 17 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá xã; đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng khu dịch vụ thương mại; đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng xây dựng hạ tầng khu dân cư; đầu tư hơn 8 tỷ đồng cải tạo nâng cấp các nhà văn hoá xóm, các tuyến đường dong xóm, tuyến đường cây, tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường trên địa bàn các xóm. Ngoài ra, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy hải sản, chuyển đổi các mô hình sản xuất.