'Xuất khẩu' văn học - ách tắc ở khâu nào?
Tại hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” mới đây tổ chức tại Bắc Ninh, một số ý kiến băn khoăn việc “xuất khẩu” văn học Việt Nam ra thế giới. Đây là câu chuyện đã cũ nhưng lại vẫn... như mới.
Nữ nhà văn Kiều Bích Hậu luôn trở đi trở lại vấn đề này. Ngay từ năm 2015, tác giả đã có những bài viết sâu sắc. Phải chăng văn chương của chúng ta kém cỏi không thể bước ra thế giới?
Câu chuyện có vẻ quan trọng hơn khi bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đặt vấn đề: "Cái gì chúng ta cũng xuất khẩu hết nhưng có mỗi văn hóa, nhất là văn học thì chưa thấy gì".
Phần nào lý giải cho sự “ách tắc” trong hội nhập văn chương, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng có lẽ chỉ ở Liên Xô trước đây là có đội ngũ dịch thuật tiếng Việt được đầu tư, đào tạo bài bản, ở tầm quốc gia. Gần đây, thêm đội ngũ dịch tiếng Việt người Hàn Quốc, nhưng chỉ ở cấp các tổ chức xã hội. Còn lại, về cơ bản sách của nhà văn Việt được dịch ra tiếng nước ngoài do Việt kiều, hoặc người Việt biết ngoại ngữ dịch.
Nếu đúng như thế thì có nghĩa là việc dịch văn chương Việt Nam ra nước ngoài chưa được chú ý, chưa được đầu tư, đội ngũ người dịch rất mỏng và không chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, một số tác phẩm văn học Việt Nam được “xuất khẩu” chủ yếu là do nỗ lực cá nhân. Không ít người đã phải tự liên hệ với đại diện nhà xuất bản nước ngoài vì rằng rất ít đơn vị xuất bản trong nước chủ động dịch sách, tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nước ngoài. Nếu đợi nhà xuất bản nước ngoài tìm đến do văn chương của ta hay quá, thì không biết đến bao giờ.
Do việc quảng bá ít và kém hiệu quả nên nhìn chung người nước ngoài hiểu chưa đúng về diện mạo văn chương Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn “xuất khẩu” văn chương tốt thì khó có cá nhân, tổ chức nào có thể làm việc này hiệu quả, mà phải là Nhà nước với chiến lược quảng bá quốc gia, lâu dài.
Cũng cần nhắc lại, hơn 10 năm trước, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 đã bàn việc thành lập Viện Dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam. Nhưng sau nhiều thảo luận, đến nay Viện Dịch thuật vẫn chưa ra đời.
Vậy, trong tình thế khó “xuất khẩu” đến vậy, thì văn chương Việt Nam ở đâu trên bản đồ văn học thế giới, trong khi mỗi năm các nhà văn Việt Nam xuất bản tới vài nghìn đầu sách?
Tiến sĩ Bích Ngọc Turner, giảng viên Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam tại Mỹ, cho biết: Hầu như thế giới chỉ biết đến văn học Việt Nam qua các tác phẩm về chiến tranh. Phía Việt Nam cũng chủ động dịch và giới thiệu một số tác phẩm về chiến tranh. Vì thế bạn đọc nước ngoài thường biết đến văn chương Việt Nam là chống chiến tranh và kể chuyện buồn.
Vị tiến sĩ kể lại, năm 2018 khi đi thăm thành phố Cambridge (nước Anh) chị đã nhờ một cặp vợ chồng người bản xứ chỉ dẫn. Khi biết chị là người Việt Nam thì người vợ đột nhiên nắm tay, vẻ mặt đầy thương cảm, nói rằng bà rất thương Việt Nam, Việt Nam bị chiến tranh khổ quá, hẳn người Việt sống nhọc nhằn đau khổ lắm phải không…
“Tôi đã phải dừng lại khá lâu để giải thích cho vợ chồng người Anh đó rằng chiến tranh đã qua lâu rồi, giờ đây người Việt Nam chúng tôi sống rất tốt, ông bà nên tới thăm Việt Nam... Họ mỉm cười giải thích rằng, do họ đọc sách toàn nói về Việt Nam trong chiến tranh nên bị ám ảnh như vậy. Đây thực sự là một lỗi lớn của văn học nghệ thuật trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam” - tiến sĩ Bích Ngọc Turner nói.
Từ con số 200 cách đây 65 năm kể từ khi thành lập, tới nay Hội Nhà văn Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên; thì cũng chỉ mươi người có tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài, như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư... và số sách cũng rất ít. Trong khi ta cũng đã có những tác giả được giải thưởng quốc tế, như Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. “Cánh đồng bất tận”, dịch sang tiếng Đức của Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn. Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc.
Chúng ta tự hào là quốc gia có nền văn hiến lâu đời, các thế hệ người Việt Nam yêu tha thiết quê hương, đất nước mình qua các tác phẩm văn chương. Và chúng ta cũng từng mơ ước có Nobel văn chương. Nhưng nếu như nền văn học ấy không được quảng bá ở nước ngoài thì ai biết? Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết khi nhận được thư đề nghị đề cử tác giả Việt Nam để xét giải Nobel văn chương năm 2022 từ Ủy ban Nobel (thuộc Viện Thụy Điển), thì đây thực sự là một tín hiệu vui đối với văn học Việt Nam. Nhưng cần nhìn nhận, để có một tác giả đạt giải Nobel là không đơn giản. Đó phải là một quá trình sáng tạo đồ sộ, thông điệp và ý nghĩa của tác phẩm tác động đến đời sống con người và được dịch, xuất bản, phát hành một cách có hệ thống…
“Để nhận diện một nền văn học, tạo những dấu ấn sắc nét trên bản đồ văn học thế giới thì chúng ta phải dịch thuật. Đương nhiên, đầu tiên và trước hết phải là sự lao động, sáng tạo của nhà văn, rồi anh sẽ gặp thế giới bên ngoài” - ông Thiều nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, đưa văn chương lên nền tảng số là cơ hội để văn chương Việt Nam ra với thế giới. Trong đó hình thức audio book là rất quan trọng. Tới nay audio book đã là trào lưu trên thế giới, với những ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Trung... Với cách thức này sẽ lan tỏa tốt hơn các tác phẩm văn học tới đông đảo công chúng, vượt qua biên giới quốc gia. Một thống kê cho thấy, trên thế giới có khoảng 20% số bạn đọc văn chương trả tiền mua các gói thuê bao để nghe audio book. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là chọn tác phẩm nào để dịch, ai dịch và chất lượng bản dịch đó ra sao.