Xử phạt nặng để kéo giảm tai nạn giao thông
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với mức độ rất nghiêm trọng, làm nhiều người tử vong và bị thương. Điều đáng nói có những trường hợp, tài xế gây tai nạn đã sử dụng rượu bia gây bức xúc dư luận.
Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng
Ngày 17/12, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trương Vạn Nhật (SN 1995, trú xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Nhật là đối tượng gây ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 3 người chết.
Theo cơ quan công an, khoảng 17h20 ngày 16/12, Trương Vạn Nhật điều khiển ô tô bán tải (BKS 43C - 256.30) chạy với tốc độ nhanh trên đường Quảng Nam, đoạn qua phường Hòa Qúy (quận Ngũ Hành Sơn). Bất ngờ ô tô tông vào xe máy chị V.T.H.S. (SN 1997, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và xe máy anh N.T.K. (SN 1974) chở theo vợ là chị L.T.T.N. (SN 1978, cùng trú quận Hải Châu) đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả khiến 3 người tử vong tại chỗ. Ngay sau khi gây tai nạn nghiêm trọng, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế này cho kết quả là 1.288mg/l, vượt mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP (Mức vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/NĐ- CP là 0,4 mg/l khí thở).
Ngày 15/12, tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến 2 người tử vong. Theo đó, khoảng 10h30 ngày 15/12, ô tô tải (BKS 88H - 021.75) lưu thông trên đường 309, đến địa phận xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương thì va chạm với xe máy (BKS 88C1 - 254.63) đi hướng ngược lại khiến 2 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Các nạn nhân được xác định là anh N.C.T. (SN 1999, ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô) và N.V.C. (SN 2005, ở xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an huyện Tam Dương đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Khoảng 6h15, ngày 14/12, xe ô tô đầu kéo (BKS 15C - 255.80) kéo theo Rơ-móoc 29R-004.49 do Đỗ Văn Giang (SN 1994 ở Khánh Công, Yên Khánh, Ninh Bình) điều khiển di chuyển theo hướng Hà Nội - Hải Phòng đã va chạm với xe ô tô tải (BKS 34C-330.68) do anh Lê Đình T. (SN 1993, ở Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) điều khiển cùng chiều. Chiếc xe ô tô bị dồn đã đâm vào 3 xe khác đang lưu thông trên đường gây ra vụ tai nạn liên hoàn, làm 1 người tử vong, 2 người khác bị thương; 5 xe ô tô bị hư hỏng.
Trước đó, rạng sáng ngày 11/12, tại Km 137+690, Quốc lộ 1A, thuộc phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng khiến 3 người tử vong.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 9.212 vụ TNGT, làm 5.221 người chết, 6.140 người bị thương do TNGT gây ra.
Cần xử phạt nghiêm
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người tham gia giao thông mà trong khí thở hoặc trong máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm nồng độ cồn nếu tham gia giao thông sẽ bị phạt hành chính, trường hợp gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ về nồng độ cồn khi tham gia giao thông mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2021/NĐ-CP với những mức phạt tiền là rất nghiêm khắc. Theo đó, đối với xe máy có thể phạt đến 8 triệu đồng; với ô tô mức phạt cao nhất có thể tới 40 triệu đồng. Trường hợp hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61% trở lên, thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" với mức phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp làm chết nhiều người thì hình phạt còn nghiêm khắc hơn nữa, có thể tới 15 năm tù.
Để giảm số vụ TNGT không chỉ là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà cần có sự tham gia của toàn xã hội. Bên cạnh các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương thì mỗi người dân đều phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, chung tay xây dựng văn hóa tham gia giao thông. Bởi, theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với các lỗi như tài xế sử dụng rượu bia, các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu không làm chủ được tốc độ, thiếu chú ý quan sát, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đội mũ bảo hiểm… đặc biệt là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của tay lái, gây ra những vụ TNGT đáng tiếc.